Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Thứ Tư, 10/06/2015, 15:09 [GMT+7]

Chiều 09-6, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ 85,25% đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo đó, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 41 điều, quy định về quyền, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước, nhân dân và các tổ chức; điều kiện bảo đảm hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII

Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể chức năng giám sát và chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Về hoạt động giám sát, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) quy định: Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Về đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát, điều 26 của Luật quy định: Đối tượng giám sát của MTTQ Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ, Luật quy định: Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, khách quan, xây dựng, khoa học và thực tiễn, nhằm phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong dự thảo văn bản, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong hoạch định, chính sách pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. 

                                                                        Hồng Thương

(Văn phòng Quốc hội)

;
.