Tổng kết 8 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý
Thứ Tư, 17/06/2015, 15:14 [GMT+7]
Ngày 16-6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Ailen tổ chức Tổng kết 8 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý.
Luật trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2007. Sau 8 năm thi hành luật, công tác trợ giúp pháp lý trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở. Luật Trợ giúp pháp lý đã có tác động tích cực trong việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội. Đồng thời, công tác trợ giúp pháp lý cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong bảo vệ nhân quyền, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị |
Trợ giúp pháp lý là một yếu tố quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự, hỗ trợ tích cực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, công bằng, đúng pháp luật, góp phần thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng đã đề ra trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, góp phần tạo niềm tin cho xã hội trong hoạt động tố tụng hình sự.
Theo kết quả tổng hợp báo cáo của các địa phương, sau 8 năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý đến hết tháng 12/2014, trong cả nước đã thực hiện được khoảng 940.183 vụ việc, trong đó chia theo hình thức gồm: 52.985 vụ việc tham gia tố tụng và 879.133 vụ việc tư vấn pháp luật cho 987.949 đối tượng (trong đó có 269.965 người nghèo, 132.331 người có công với cách mạng, 15.678 người già cô đơn không nơi nương tựa, 37.880 trẻ em, 13.390 người khuyết tật, 540 người nhiễm HIV, 242.351 người dân tộc thiểu số, 1.398 nạn nhân của tội phạm mua bán người và 274.416 người thuộc diện được Luật trợ giúp pháp lý khác).
Các ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội nghị tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý thời gian tới. Theo đó, cần tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, chỉ thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý. Đổi mới hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý theo hướng tinh gọn, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế phù hợp. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, có giải pháp huy động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có uy tín, kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nhằm bảo đảm cho các trợ giúp viên pháp lý có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng…
Thu Hương
(Bộ Tư pháp)
;