Hà Tĩnh: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị và công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015
Thứ Ba, 14/07/2015, 16:08 [GMT+7]
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015.
Theo báo cáo tại Hội nghị, 10 năm qua, việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai chỉ đạo thực hiện sát với tình hình thực tế của địa phương. Từng bước đề cao được trách nhiệm và tạo sự chuyển biến khá đồng bộ của hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại địa phương. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật từng bước được nâng lên. Chất lượng công tác xây dựng văn bản có chuyển biến, chất lượng nâng lên, hạn chế sai sót và vi phạm trình tự thủ tục ban hành văn bản…
Quang cảnh Hội nghị |
Từ năm 2005 đến năm 2015, HĐND tỉnh đã tổ chức 31 kỳ họp, ban hành 132 nghị quyết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã tiến hành khoảng 70 đợt rà soát, tự kiểm tra văn bản theo lĩnh vực và thời gian. Tổng số văn bản đưa vào kiểm tra, rà soát là 8.750 lượt văn bản, trong đó số văn bản quy phạm pháp luật 4.283 lượt. Qua đó, đã phát hiện 123 văn bản cần sửa đổi về nội dung, 622 văn bản có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày và 305 văn bản hết hiệu lực thi hành.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ cơ quan tư pháp ở các cấp, các ngành và toàn xã hội. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên; tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn; chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức chính trị cho cán bộ, công chức, chiến sỹ. Cơ sở vật chất, các điều kiện, trang thiết bị làm việc của các cơ quan tư pháp ngày càng được chú trọng, tăng cường. Công tác phối hợp, giám sát giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và với các cơ quan hữu quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân được thực hiện chặt chẽ nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; tạo sự chuyển biến quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh yêu cầu các cấp ủy chính quyền trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau: (1) Xác lập hệ thống thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật; (2) Đào tạo, bồi dưỡng, có hướng chỉ đạo cần thiết để tăng cường năng lực tranh tụng trước tòa; (3) Hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; (4) Xem xét để thành lập các tổ chức pháp chế ở các sở, ban, ngành là cánh tay nối dài của chính quyền trong việc xây dựng, thi hành pháp luật và cải cách tư pháp; (5) Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ cải cách tư pháp và tổ chức, xây dựng, thi hành pháp luật, đặc biệt, cần thiết lập cơ chế giao ban định kỳ giữa các cấp ủy chính quyền với cơ quan tư pháp; (6) Đầu tư bổ sung nguồn lực, cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan tư pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phan Thị Hằng
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh)
;