Kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW tại Đồng Tháp

Thứ Hai, 27/07/2015, 10:34 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 21-7-2015, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp nhằm kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kế hoạch tổng kết. Tham gia và làm việc với Đoàn, về phía Tỉnh ủy Đồng Tháp có đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đoàn Quốc Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh, Thanh tra tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Ban Nội chính Tỉnh ủy.
 
Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
    Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe Báo cáo, trao đổi ý kiến, đánh giá thực trạng công tác xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW tại tỉnh Đồng Tháp đến nay. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đồng Tháp, hàng năm HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL, các văn bản QPPL đã ban hành cơ bản phù hợp với Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản QPPL và sát với tình hình thực tế địa phương; chất lượng văn bản từng bước được nâng lên, có tính khả thi cả, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đã tác động tích cực tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền cũng được tiến hành thường xuyên (tự kiểm tra 949 văn bản, trong đó có 283 nghị quyết, 79 chỉ thị, 587 quyết định); số văn bản được kiểm tra hàng năm từ 120 đến 150 văn bản.
 
    Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện.  Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp được kiện toàn, thực hiện tốt vai trò tư vấn cho UBND về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác này. Toàn tỉnh có 460 báo cáo viên pháp luật, 1.098 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 1.117 báo cáo viên tư tưởng văn hóa. Công tác trợ giúp pháp lý được triển khai sâu rộng tại tất cả các địa bàn, thông qua đó kịp thời thực hiện việc hỗ trợ, trợ giúp về mặt pháp luật cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách, góp phần nâng cao dân trí. Xây dựng 144 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với 1.500 thành viên Ban Chủ nhiệm; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động được 849 điểm, thực hiện trợ giúp pháp lý 26.200 vụ việc, các tổ hòa giải trong tỉnh cũng tiếp nhận và đưa ra hòa giải 42.772 vụ việc.
 
    Các cơ quan tư pháp trong tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ thi hành pháp luật, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được bảo đảm. Năng lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra công chức, công vụ đã được nâng lên. Các cấp đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm hành chính trên các lĩnh vực, thể hiện sự nghiêm minh trong thực thi công vụ, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương.
 
    Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW tại Đồng Tháp, đồng chí Lê Thị Thu Ba cho rằng các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Các văn bản QPPL ở địa phương đã lấy ý kiến tham vấn của nhân dân trước khi ban hành và đã hạn chế được số lượng các văn bản QPPL ở địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, Tỉnh cần quan tâm chất lượng đội ngũ báo cáo viên, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy cần chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn liền với công tác xây dựng văn bản QPPL ở địa phương. Đồng thời, cần quan tâm đào tạo trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ cho cán bộ tư pháp và cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật để nâng cao hiệu quả xét xử, tham  mưu cho tỉnh ủy và các cơ quan tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc.
Hoài Bắc
;
.