Bế mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, ngày 26-8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về 5 Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 đã họp Phiên bế mạc.
Phát biểu tại Phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Ban soạn thảo của 5 Dự án Luật: Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) phải bám sát những quan điểm tiến bộ, tinh thần của Hiến pháp 2013. Đặc biệt, về hoạt động tư pháp, liên quan đến toàn bộ quá trình tố tụng từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến điều tra, xét xử, vai trò của luật sư, Viện kiểm sát, Tòa án, Hiến pháp 2013 có nhiều quy định đổi mới quan trọng. Tuy nhiên, các Dự thảo Luật và Bộ luật trong lĩnh vực này còn nhiều quy định chưa thực sự bám sát tinh thần của Hiến pháp mới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt nhấn mạnh, cần loại bỏ các quy định theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, và tăng cường các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Hội nghị đã cho ý kiến về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền miễn trách nhiệm hình sự
Các ý kiến tại phiên thảo luận tập trung vào nhiều vấn đề như: Nguyên tắc Suy đoán vô tội và nguyên tắc Bảo đảm tranh tụng trong xét xử; quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can…
Phiên bế mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách |
Về quy định không truy tố bị can tại Điều 231 của Dự thảo, theo Dự thảo Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua không tán thành quy định này. Một số Đại biểu Quốc hội tán thành quy định của Dự thảo nhưng đề nghị quy định chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng, tránh lạm dụng trong thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Dự thảo Bộ luật quy định 4 trường hợp Viện kiểm sát có thể ra quyết định không truy tố bị can là trái với Điều 16 Hiến pháp 2013: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Quy định về không truy tố của Viện kiểm sát trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 chính là để áp dụng đối với các trường hợp Viện kiểm sát đình chỉ vụ án khi có căn cứ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bị can. Ngay đối với việc Viện kiểm sát đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can theo Khoản 1 Điều 25 của Bộ luật Hình sự, qua giám sát oan, sai của Quốc hội vừa qua cho thấy có nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, có những trường hợp có dấu hiệu làm oan. Để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng, tùy tiện trong việc truy tố, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ quy định về các trường hợp Viện kiểm sát không truy tố bị can.
Đồng tình với cách lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, nếu không truy tố vì lý do không chứng minh được tội thì rơi vào trường hợp suy đoán vô tội. Còn trường hợp căn cứ hồ sơ, Viện kiểm sát nhận thấy rằng người bị truy tố có tội, nhưng có lý do đặc biệt về quốc phòng, an ninh, hay đối ngoại mà không truy tố, thì đó là có tội nhưng vì lý do khách quan, vì lợi ích lớn hơn mà miễn trách nhiệm hình sự. Quyết định không truy tố chỉ chính xác khi trải qua thủ tục qua xét xử, có hội thẩm, bồi thẩm đoàn. Nếu trao quyền không truy tố cho Viện kiểm sát, trở thành quyết định của một cá nhân là không được. Còn Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trần Văn Độ chỉ rõ, chỉ khi có tội thì mới có trách nhiệm hình sự để miễn. Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền tuyên một người có tội hay không có tội, có quyền miễn trách nhiệm hình sự, còn cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ có quyền ra quyết định khởi tố hay không khởi tố bị can, truy tố hay không truy tố. Vì vậy, bỏ quy định về các trường hợp Viện kiểm sát không khởi tố bị can là hợp lý.
Viện kiểm sát cấp trên không được phép ủy quyền công tố cho Viện kiểm sát cấp dưới
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, pháp luật hiện hành không có quy định về ủy quyền công tố. Khoản 4 Điều 166 Bộ luật hiện hành chỉ quy định: Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trên thực tế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án do cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra, sau đó ra cáo trạng truy tố, ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, làm cho Viện kiểm sát cấp dưới bị động, phụ thuộc bởi cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát cấp trên. Loại án ủy quyền công tố này là loại án phức tạp, bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, xử đi, xử lại cũng rất nhiều. Hơn nữa, việc Viện kiểm sát cấp trên ra cáo trạng truy tố, ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử là trái với quy định pháp luật hiện hành. Vì thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga tán thành phương án sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ quy định về ủy quyền công tố và kiểm sát xét xử của Dự thảo và chỉnh lý quy định hiện hành cho rõ hơn. Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì chậm nhất là hai tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền truy tố để cử kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra, thì Viện kiểm sát cấp trên ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền để quyết định việc truy tố.
Ngọc Diệp
(Báo Đại biểu nhân dân)