Bộ Tư pháp: Tọa đàm trao đổi về quyền tư pháp và cơ chế tranh tụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự
(BNCTW) - Ngày 25-8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Tọa đàm trao đổi về quyền tư pháp và cơ chế tranh tụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự để học hỏi kinh nghiệm lập pháp và kinh nghiệm thực tiễn về nội hàm quyền tư pháp và vai trò của Tòa án, cơ quan Công tố trong việc thực hiện quyền tư pháp; sự hình thành và hoạt động của cơ chế tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Tham dự Tọa đàm có: đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, các vụ chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp; bà Rosemany Barkett, Thẩm phán cơ quan tài phán Iran – Hoa Kỳ tại Lahay..
Toàn cảnh buổi Tọa đàm |
Theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ, mọi người đều có quyền được xét xử công bằng, công khai. Bị cáo có quyền có luật sư biện hộ miễn phí vì nhu cầu bảo đảm công lý nếu bị cáo không đủ khả năng chi trả chi phí thuê luật sư. Nếu thẩm vấn bị can đang bị giam giữ, cảnh sát phải thông báo cho bị can quyền được giữ im lặng; quyền được tiếp cận luật sư và bất kỳ điều gì bị can nói ra đều có thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại bị can tại phiên tòa. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan công tố; do đó, cơ quan công tố phải cung cấp cho luật sư bào chữa tất cả các chứng cứ mà bên công tố sẽ sử dụng tại phiên tòa, gồm cả báo cáo của cảnh sát và chứng cứ gỡ tội và phải có trách nhiệm thông báo các chứng cứ mới phát sinh; bị cáo không phải thông báo các chứng cứ chứng minh và có quyền kiểm tra đối chứng tất cả các nhân chứng do cơ quan công tố sử dụng. Bị cáo có thể nhận tội hoặc không nhận tội. Có hơn 95% các vụ án hình sự ở Hoa Kỳ được giải quyết thông qua việc thương lượng nhận tội để được hưởng một mức án thấp hơn. Quy định về thương lượng nhận tội áp dụng cho tất cả các loại tội phạm, thậm chí tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong trường hợp bị cáo nhận tội, thẩm phán phải đảm bảo trước khi ký vào bản nhận tội, bị cáo đã được giải thích cặn kẽ về các quyền cũng như mức án mà mình nhận được. Quá trình thương lượng nhận tội diễn ra giữa công tố viên và luật sư, bị cáo, thẩm phán không can thiệp vào quá trình này. Thẩm phán có vai trò quan trọng cuối cùng là quyết định có xác nhận việc nhận tội đó hay không. Nếu xét thấy bản nhận tội đó chưa bảo đảm tính công bằng, khách quan và hợp lý, thẩm phán có thể bác bỏ thỏa thuận thương lượng nhận tội đó. Nếu xét thấy bản thương lượng nhận tội là hợp lý, tòa án sẽ công nhận và tuyên án. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hạn chế của thỏa thuận nhận tội là sự thiếu công khai trong xét xử và được thực hiện giữa hai bên không bình đẳng với nhau nên trong nhiều trường hợp việc nhận tội dường như chưa phải là sự lựa chọn thỏa đáng nhất.
Phương Thảo