Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm
Thứ Ba, 19/01/2016, 16:03 [GMT+7]
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 138/CP.
Theo Thông báo, trong năm 2015, Ban Chỉ đạo 138 (phòng, chống tội phạm) các cấp đã tập trung chỉ đạo đấu tranh giải quyết có hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự, điều tra, khám phá làm rõ nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kết thúc điều tra đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn, trọng điểm, được dư luận quan tâm.
Tuy vậy, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các loại tội phạm về hình sự, tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, tình trạng sử dụng vũ khí "nóng", vật liệu nổ để hoạt động phạm tội...
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) |
Để tiếp tục chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 138 ở Trung ương và địa phương tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng, chống tội phạm.
Hoạch định những chủ trương, giải pháp chiến lược phòng, chống tội phạm gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Sử dụng tổng hợp các biện pháp, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, lấy phòng ngừa là cơ bản, quan trọng và lâu dài; kết hợp giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ. Tích cực tấn công trấn áp tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Chủ động khắc phục, hạn chế những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm. Kiềm chế tội phạm, làm giảm các loại trọng án, giảm tội phạm tại các địa bàn trọng điểm. Xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp nảy sinh, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật trong nhân dân. Nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự; đẩy nhanh tiến độ điều tra, khám phá các vụ án, sớm đưa ra xét xử các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tăng cường xét xử lưu động để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật, Luật mới được Quốc hội thông qua, nhất là Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Lương Thủy
(Báo Điện tử Đảng CSVN)
;