50 năm Ban Nội chính Trung ương: Kết quả và bài học kinh nghiệm

Thứ Ba, 09/02/2016, 06:03 [GMT+7]

    Chặng đường lịch sử 50 năm xây dựng và trưởng thành của Ban Nội chính Trung ương được đánh dấu bằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thành lập Ban Pháp chế Trung ương (số 133-NQ/TW ngày 05-01-1966). Trải qua nửa thế kỷ, các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên của Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhìn lại chặng đường đã qua, điểm lại những kết quả đạt được để bước tiếp chặng đường dài sắp tới là công việc cần thiết và không kém phần quan trọng.

    1. Những kết quả nổi bật
 
    Một là, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính
 
    Khi mới ra đời, Ban Pháp chế Trung ương đã nghiên cứu, triển khai và đề xuất những quan điểm về công tác pháp chế XHCN. Những năm 70 của thế kỷ XX, Ban Pháp chế Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương khảo sát, đề xuất đưa cán bộ tăng cường cho các huyện biên giới phía Bắc. Đến thập kỷ 90, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, dự thảo, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một số chỉ thị, như: Chỉ thị số 07-CT/TW về biên giới phía Bắc; Chỉ thị số 12-CT/TW về vấn đề nhân quyền; Chỉ thị số 25-CT/TW về tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia; Chỉ thị số 57-CT/TW về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật và cải cách hành chính…
 
    Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, các thế lực thù địch ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, trước tình hình đó, Ban Nội chính đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án “Quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Trên cơ sở đó, dự thảo, trình Ban Bí thư ra Chỉ thị về vấn đề này.
 
    Đối với công tác PCTN, Ban Nội chính Trung ương đã tham gia chuẩn bị và trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về tiếp tục ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết số 14NQ/TW về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng; tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2)... Đặc biệt, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; chủ trì thực hiện Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); tham mưu tổ chức và phục vụ thành công Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Luật PCTN; phối hợp tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và Sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020...
 
    Sau 03 năm tái lập (từ 2013 đến nay), Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-122015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
 
    Hai là, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo xây dựng nhà nước và pháp luật
 
    Trong giai đoạn 1966-1979, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Pháp chế Trung ương đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp chế của Chính phủ soạn thảo nhiều dự án luật, pháp lệnh, như các dự án: Hiến pháp năm 1980, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân... Sự tham gia, đóng góp của Ban Pháp chế Trung ương về lĩnh vực xây dựng pháp luật trong giai đoạn này đã góp phần tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng nếp “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
 
    Khi Ban Nội chính Trung ương được thành lập, nhiệm vụ trực tiếp soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh không còn nữa, mà tập trung vào việc nghiên cứu, tham mưu những chủ trương, quan điểm, định hướng chung về công tác xây dựng pháp luật, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, đề xuất giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc theo dõi, thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành các văn bản pháp luật; góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào đời sống xã hội; theo dõi, thẩm định việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội; nghiên cứu và chuẩn bị văn bản giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, đường lối đối với các dự án luật liên quan đến an ninh, quốc phòng, quyền con người, quyền công dân và trật tự an toàn xã hội.
 
    Từ năm 2012 đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham gia, phát biểu ý kiến với Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số luật, như: Luật công an nhân dân Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân… Ngoài ra Ban Nội chính Trung ương còn tham gia góp ý xây dựng nhiều đề án quan trọng khác như Đề án “Tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng, Nhà nước”; Đề án “Quy định giám sát cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Đề án: “Giải quyết quốc tịch người Hoa, con lai giữa Phụ nữ Việt Nam và người Trung Quốc hiện nay”; Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả giám định tư pháp”; Đề án “Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị về quyết định hành chính…”; Đề án “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân”, các đề án về giảm hình phạt tử hình, giam giữ người bị kết án tử hình…
 
    Hiện tại, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. 
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo "Ngành Nội chính Đảng - 50 năm xây dựng và trưởng thành"
    Ba là, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, quản lý tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và cải cách tư pháp
 
    Một trong những kết quả nổi bật của Ban Nội chính Trung ương trong những năm 1966-1986 đó là, tham mưu, đề xuất thành lập các cơ quan pháp chế, như: Xây dựng đề án, kiến nghị thành lập Ủy ban Pháp chế (1972); kiến nghị thành lập, giúp đỡ xây dựng giáo trình giảng dạy của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (1979); kiến nghị thành lập Bộ Tư pháp và thúc đẩy triển khai thành lập sở Tư pháp các địa phương (1981)…
 
    Ban đã tham gia xây dựng đề án về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước được Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII thông qua. Sau đó, theo dõi, nắm tình hình việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết; tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; theo dõi, nắm tình hình cải cách hành chính ở các ngành và một số địa phương; theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 29CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật; tổ chức theo dõi, đôn đốc các cấp ủy tổng kết công tác ngành Tòa án; phối hợp với Đảng ủy khối, các ban cán sự đảng, kiểm tra, đôn đốc thực hiện một số chủ trương, chính sách trong các cơ quan nội chính; phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước kiểm tra công tác tuyển chọn Thẩm phán, chấp hành pháp luật trong tạm giam, tạm giữ, thi hành án và các hoạt động giam giữ, cải tạo phạm nhân.
 
    Nhận rõ yêu cầu khách quan đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với xã hội liên quan đến hoạt động tư pháp, Ban Nội chính Trung ương chủ động tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết số 08NQ/TW ngày 02-01-2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06-3-2002 “Về một số việc cần thực hiện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
 
    Những năm gần đây Ban Nội chính Trung ương đã tham gia ý kiến trong việc đề nghị bổ nhiệm chức vụ, chức danh và thăng quân hàm sỹ quan cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý các cơ quan thuộc khối Nội chính Trung ương: Năm 2013, tham gia ý kiến về việc đề nghị bổ nhiệm, thăng quân hàm đối với 150 cán bộ, sỹ quan cao cấp; năm 2014, tham gia ý kiến về việc đề nghị bổ nhiệm, thăng quân hàm đối với đối với 250 cán bộ, sỹ quan cao cấp; năm 2015 tham gia ý kiến về việc đề nghị điều động, bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm đối với 158 cán bộ, sĩ quan cao cấp. Theo dõi, nghiên cứu, phát biểu ý kiến với Ban Bí thư về các vấn đề liên quan đến Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII; Đại hội Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II và về các chức danh lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam; công tác chuẩn bị Đại hội Phật giáo Hòa Hảo.
 
    Bốn là, hướng dẫn các cấp ủy địa phương lãnh đạo công tác nội chính
 
    Đường lối, chủ trương của Đảng về công tác nội chính có đi vào cuộc sống hay không, một phần quan trọng phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng ở địa phương. Do đó, bên cạnh việc giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Bộ Chính trị lãnh đạo hoạt động của các ngành nội chính, Ban Nội chính Trung ương đã chú trọng hướng dẫn các cấp ủy địa phương lãnh đạo lĩnh vực công tác này.
 
    Ngoài việc hướng dẫn những trọng tâm công tác nội chính trong từng thời gian, Ban Nội chính Trung ương còn hướng dẫn các cấp ủy địa phương triển khai thực hiện và tổng kết, kiểm tra việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng về công tác nội chính hoặc có liên quan nhiều đến công tác nội chính. Qua đó, cũng có tác dụng giúp một số cấp ủy địa phương nhận thức đúng đắn hơn nội dung và phương thức lãnh đạo công tác nội chính.
 
    Ban Nội chính Trung ương còn ra Bản tin nội chính (trước đây) và Tạp chí Nội chính và Trang Thông tin điện tử (hiện nay), đã cung cấp cho các tỉnh, thành ủy và Ban Nội chính tỉnh, thành ủy những nội dung cơ bản trong một số văn kiện của Đảng và Nhà nước về nội chính; tình hình và hoạt động nội chính nổi bật trong từng thời kỳ; thông tin khoa học hoặc kinh nghiệm nước ngoài về lĩnh vực nội chính và PCTN.
 
    Để giúp các cấp ủy địa phương lãnh đạo công tác nội chính được tốt hơn, một việc có ý nghĩa quan trọng là xây dựng đội ngũ tham mưu về lĩnh vực này. Việc tổ chức bộ máy tham mưu và bố trí cán bộ do địa phương quyết định. Song, Ban Nội chính Trung ương đã hướng dẫn xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của bộ máy tham mưu đó. Mặt khác, thông qua một số cuộc trao đổi kinh nghiệm công tác hoặc hội nghị chuyên đề, Ban Nội chính đã bồi dưỡng về nội dung và phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ tham mưu của các cấp ủy địa phương về lĩnh vực nội chính. 
 
    Năm là, hoàn thành tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 79 (trước đây) và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (hiện nay)
 
    Nhìn lại 5 thập kỷ qua cho thấy, mỗi một giai đoạn cách mạng, Ban Nội chính Trung ương đều được giao là cơ quan thường trực, giúp việc cho một Ban Chỉ đạo, cụ thể là:
 
    Sau khi Ban Bí thư có quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương (số 48-QĐ/TW ngày 17-9-1979), thì ngày 1011-1979 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 81-CT/TW về thực hiện nhiệm vụ đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Năm 1979, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương đấu tranh chống ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo  79), Ban Nội chính Trung ương được phân công là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban đầu, nhiệm vụ chủ yếu của Ban 79 là chống tiêu cực xã hội là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng; thời gian sau bổ sung thêm nhiệm vụ là chống buôn lậu.
 
    Năm 2007, khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thì Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN là cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Với chức năng của mình Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã theo dõi, đôn đốc xử lý nhiều vụ việc, vụ án quan trọng, phức tạp mà xã hội quan tâm.
 
    Từ năm 2013 đến nay, sau khi được tái lập, Ban Nội chính Trung ương được giao nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Ban Nội chính Trung ương đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chọn những lĩnh vực trọng tâm, những khó khăn, vướng mắc, trong công tác PCTN để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, như: (1) Tham mưu lựa chọn các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý ở 03 cấp độ (cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý). 03 năm qua, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất đưa 243 vụ việc, vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo cả 3 cấp độ. Trong đó, có 19 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (đến nay khởi tố thành 31 vụ án); 29 vụ án, 05 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 90 vụ án, 94 vụ việc thuộc diện các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
 
    Sau khi đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, các vụ án, vụ việc được khẩn trương điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước (trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã xét xử sơ thẩm 14 vụ/149 bị cáo, tuyên phạt 07 bị cáo với 08 án tử hình;13 bị cáo với 14 mức án tù chung thân; 02 bị cáo tù 30 năm; 126 bị cáo tù có thời hạn từ 02 năm đến 25 năm). Đặc biệt, qua theo dõi, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo đưa 08 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xét xử trước Đại hội XII; (2) Chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN, nhất là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng (trong 03 năm, đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập 25 Đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 15 Đảng ủy, Ban cán sự đảng bộ, ngành Trung ương và 29 ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy); (3) Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo chọn một số khâu khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, như: Vấn đề cho hưởng án treo; vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; (4) Chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương trong xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là xử lý các khó khăn, vướng mắc trong các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; phát hiện, đề xuất, hướng dẫn xử lý các vụ án, vụ việc có biểu hiện oan, sai (phát hiện và tham mưu chỉ đạo xử lý 04 vụ án hình sự, 10 vụ án về dân sự có biểu hiện oan sai, vi phạm pháp luật);
 
    Có thể nói, bảo đảm sự ổn định của đất nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước trong các giai đoạn đầy biến động của cách mạng là kết quả của sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, trong đó Ban Nội chính Trung ương có một vai trò rất quan trọng.
 
    2. Những bài học kinh nghiệm
 
    Thứ nhất là, cần thống nhất quan điểm, nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức tham mưu giúp Trung ương Đảng về công tác nội chính
 
    Sự ra đời, xây dựng và phát triển của ngành Nội chính Đảng nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng là một bước sáng tạo trong nghệ thuật lãnh đạo của Đảng ta. Bởi lẽ, công tác nội chính của Đảng tồn tại cùng với công tác nội chính của Nhà nước; các ban nội chính của Đảng cùng tồn tại với các cơ quan nội chính nhà nước. Tuy hai mà là một, tức là chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu nhằm đạt hiệu quả cao nhất về công tác nội chính dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là bí quyết bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp đối với lĩnh vực công tác nội chính - một lĩnh vực quan trọng liên quan đến sự tồn vong của Nhà nước và chế độ ta. Có nhiều ý kiến cho rằng, hình thức và tổ chức của ngành Nội chính Đảng hiện nay là trùng lặp, chồng chéo. Tuy nhiên, thực tiễn 50 năm qua đã khẳng định rằng, không có sự chồng chéo vì giữa cơ quan tham mưu của Đảng với các cơ quan Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Mối quan hệ giữa cơ quan nội chính của Đảng với cơ quan nội chính của Nhà nước thông qua tổ chức đảng trong các cơ quan đó; không can thiệp tính độc lập của các cơ quan chức năng Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng chính là bảo đảm tính độc lập của các cơ quan chức năng nhà nước theo quy định của pháp luật được thực hiện đầy đủ nhất. Mặt khác, hoạt động của ngành Nội chính Đảng và tổ chức đảng trong các cơ quan nội chính nhà nước được gắn bó chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trên cơ sở các quy chế được quy định rõ ràng. Lãnh đạo ngành Nội chính Đảng và lãnh đạo các cơ quan nội chính Nhà nước thường xuyên hợp tác chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ và nghiên cứu đề xuất để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo công tác nội chính một cách kịp thời.
 
    Từ những lý do trên, việc thiết lập một cơ quan tham mưu, giúp Đảng bảo đảm sự lãnh đạo đối với chính quyền là một việc tất yếu, không thể thiếu. Cần nhận thức đúng và kiên trì quan điểm này trong mọi tình huống; hết sức tránh mọi sự thay đổi, xáo trộn về mô hình tổ chức.
 
    Thứ hai là, không ngừng củng cố, bổ sung, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức cán bộ của cơ quan tham mưu, giúp việc nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra
 
    Thực tế 50 năm qua đã khẳng định rằng, tuy mô hình tổ chức, tên gọi có thể thay đổi, nhưng chức năng tham mưu, giúp việc về công tác nội chính và PCTN thì không mất đi. Việc sáp nhập, lắp ghép vào tổ chức này hay tổ chức khác chẳng những không những không tinh giản được biên chế, mà còn tạo ra lỗ hổng lớn trong bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với chính quyền và nhà nước.
 
    Thực tiễn cũng cho thấy, 50 năm qua mặc dù với 08 lần thay đổi, chức năng, nhiệm vụ, nhưng phạm vi hoạt động của Ban Nội chính Trung ương ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Điều này càng chứng tỏ vai trò, vị trí quan trọng của cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng về công tác nội chính.
 
    Thứ ba là, muốn tồn tại, phát triển, trước hết phải tự khẳng định mình; chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên, không thụ động, trông chờ hoặc ỷ lại
   
    Ngay từ khi thành lập Ban Pháp chế Trung ương - tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương, mặc dù không được giao nhiệm vụ kiểm tra việc thực thi chính sách. Tuy vậy, để ban hành Chương trình xây dựng pháp luật, cần phải biết thực tiễn công tác pháp luật và thực hiện pháp luật thế nào?. Vì thế, Ban Pháp chế chủ động triển khai một số hoạt động theo dõi, kiểm tra việc thực thi chính sách, pháp luật. Khi Quyết định của Bộ Chính trị số 48-QĐ/TW ngày 17-91979 ban hành, nhiệm vụ này trở thành thường xuyên, quan trọng của Ban Nội chính Trung ương. Một số nhiệm vụ khác trong các giai đoạn tiếp theo, cũng đã xuất phát từ thực tiễn. Vì thế, nhiệm vụ của Ban Nội chính không ngừng tăng lên (có giai đoạn lên tới 12 nhiệm vụ). Những kết quả đó, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
 
    Thứ tư là, coi trọng và đặt công tác nghiên cứu lên hàng đầu, bởi lẽ, chỉ có đi sâu nghiên cứu mới có được tham mưu, đề xuất đúng và trúng
 
    Ban Nội chính Trung ương qua các thời kỳ đều đã và đang rất quan tâm, đặt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất là quan trọng hàng đầu. Để công tác tham mưu, đề xuất có hiệu quả, ngoài lực lượng biên chế trong cơ quan làm nòng cốt, Ban Nội chính Trung ương đã và đang tập hợp đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý có uy tín. Như vậy, tổ chức, hoạt động của Ban Nội chính Trung ương bớt tính hành chính, sự vụ, tập hợp được nhiều trí tuệ làm công tác tham mưu, đề xuất. 
 
    Thứ năm là, cần coi trọng cơ chế dân chủ, phản biện trong tham mưu, đề xuất
 
    Có thể nói, “tham mưu” là một nghề đòi hỏi tính năng động, sáng tạo cao và cũng dễ mắc phải chủ quan, duy ý chí, phiến diện. Do vậy, hơn bất cứ tổ chức nào Ban Nội chính Trung ương cần có cơ chế dân chủ, phản biện và cơ chế này cần phải đặt thành một nguyên tắc trong tổ chức, hoạt động cũng như trong mối quan hệ, lề lối làm việc ở các cấp, kể cả cấp cao nhất. Thực hiện cơ chế này trước hết đòi hỏi người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có bản lĩnh và dũng khí, tránh sự chấp hành thụ động, một chiều. Thực hiện cơ chế này cần thiết lập nhiều kênh trong quá trình thu nhập, tiếp nhận xử lý thông tin; coi trọng kênh thông tin chính thức và kênh thông tin xã hội đa dạng, nhiều chiều.
 
    Thứ sáu là, hướng về cơ sở là một phương châm, nguyên tắc của bất kỳ tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào trong hệ thống chính trị nước ta
 
    Cơ sở, thực tiễn là nguồn lực, sức sống là mối liên hệ trực tiếp với quần chúng nhân dân. Do vậy, cần phải quan tâm đến nhiệm vụ này. Đối với Ban Nội chính Trung ương, cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác nội chính ở cấp tỉnh và huyện. Nếu công tác nội chính ở cấp tỉnh, huyện phát triển, đó là cơ sở để Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, đề xuất những chính sách sát thực, mang hơi thở cuộc sống.
ThS. Đàm Văn Lợi
(Tổng Biên tập Tạp chí Nội chính, Ban Nội chính Trung ương)
 

 

;
.