Một số vấn đề về công tác tham mưu của Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong xử lý vụ việc, vụ án

Thứ Ba, 09/02/2016, 09:13 [GMT+7]
    Theo quy định số 183QĐ/TW ngày 08-42013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là ban nội chính tỉnh ủy), một trong những nhiệm vụ của ban nội chính tỉnh ủy là chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
 
    Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua các ban nội chính tỉnh ủy đã tham mưu cho ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy trong các công tác sau: 1) Lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với các đảng viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, sai phạm kinh tế; 2) Thành lập đoàn rà soát kết luận các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại địa phương để phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế để chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý; 3) Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và PCTN tại địa phương, trong đó có công tác phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng; 4) Chủ trì các cuộc họp để nghe các cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án báo cáo về nội dung, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp tại địa phương để cho chủ trương, định hướng xử lý; 5) Xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, ban nội chínhtỉnh ủy tham gia công tác cán bộ với ban tổ chức tỉnh ủy theo phân cấp, tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm đối với các chức danh tư pháp trong các cơ quan nội chính như trưởng, phó các cơ quan nội chính, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên. 
 
Hội nghị giao ban toàn quốc ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tại Đà Nẵng, tháng 12-2015
Hội nghị toàn quốc Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tại Đà Nẵng, tháng 12-2015
    Trong thời gian qua, các ban nội chính tỉnh ủy đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực tham mưu cho ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN; tổ chức phổ biến quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN đến các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện các biện pháp PCTN, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; tham mưu cấp uỷ chỉ đạo đảng ủy công an tỉnh, ban cán sự đảng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, ban cán sự đảng tòa án nhân dân tỉnh tại các địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
 
    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các Ban Nội chính tỉnh ủy đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng để tham mưu cho ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy tháo gỡ nhiều vướng mắc, định hướng xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; giúp ban thường vụ tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, phát hiện vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng bảo đảm theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng như quy chế phối hợp giữa ban nội chính tỉnh ủy với đảng ủy công an tỉnh, ban cán sự đảng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, ban cán sự đảng toàn án nhân dân tỉnh trong công tác nội chính và PCTN. Đối với các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao tỉnh ủy chỉ đạo xử lý, công tác tham mưu của các ban nội chínhtỉnh ủy đối với ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy trong chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án đã góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại địa phương. Các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử công khai với mức hình phạt nghiêm minh, đã có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung, được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
 
    Trong năm 2015, các ban nội chính tỉnh ủy trong toàn quốc đã nghiên cứu, lựa chọn, tham mưu cấp ủy đưa vào danh sách ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo được 608 vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tham nhũng, tăng 41,4% so với năm 2014, trong đó, các ban nội chính tỉnh uỷ trực tiếp phát hiện, tham mưu đưa vào danh sách là 245 vụ, chiếm 40,3%. Cũng trong năm 2015, thực hiện thi đua chuyên đề theo Kế hoạch số 59KH/BNCTW, với chỉ tiêu đề ra là: “Mỗi ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phấn đấu phát hiện, tham mưu đề xuất xử lý có hiệu quả ít nhất 01 vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính và tham nhũng”, các ban nội chính tỉnh uỷ đã phát hiện, tham mưu, đề xuất với cấp ủy xử lý 221 vụ án, vụ việc. Hầu hết các vụ việc, vụ án này đều thuộc diện nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; có vụ án, vụ việc do ban thường vụ cấp ủy giao, có vụ việc, vụ án do ban nội chính tỉnh ủy phát hiện, và có các vụ việc, vụ án kéo dài do các cơ quan nội chính ở tỉnh chưa thống nhất về quan điểm xử lý, trong cả hai lĩnh vực nội chính và tham nhũng. Nhờ sự nghiên cứu, tham mưu đề xuất của các ban nội chính tỉnh ủy, các vụ việc, vụ án nêu trên đã được cấp ủy chỉ đạo, xử lý dứt điểm hoặc có chuyển biến tích cực trong năm 2015. Trên cơ sở đề nghị của các cụm và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã xem xét, quyết định tặng Bằng khen cho 25 ban nội chính các tỉnh, thành ủy đã có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện, tham mưu đề xuất xử lý hiệu quả các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng trong đợt thi đua năm 2015.
 
    Tuy là năm đầu tiên phát động và thực hiện thi đua chuyên đề, nhưng đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng giữa các ban nội chính tỉnh ủy về việc thi đua "phát hiện, tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng”, thúc đẩy toàn diện hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, nâng cao vai trò, vị thế của các ban nội chính tỉnh ủy, góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố cũng như hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn ngành chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng. Đặc biệt, thông qua thi đua chuyên đề, ban nội chính các địa phương  đã góp phần tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn nguy cơ bùng phát điểm nóng; củng cố niềm tin của nhân dân; nâng cao hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác nội chính và PCTN; thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.
 
    Từ thực tiễn tham mưu xử lý vụ việc, vụ án của các ban nội chính tỉnh ủy thời gian qua, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:  
 
    Thứ nhất, các ban nội chính tỉnh ủy cần tranh thủ sự hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Nội chính Trung ương, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy đối với những vấn đề khó khăn, phức tạp của địa phương trong tham mưu, xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Duy trì sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, nhất là các cơ quan trong khối Nội chính và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Đây là nhân tố quan trọng để ban nội chính tỉnh ủy triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời từng bước nâng cao vị thế, vai trò của đơn vị trong công tác tham mưu cho cấp ủy trong lĩnh vực nội chính và PCTN.
 
    Thứ hai, cần bám sát chương trình công tác toàn khóa, hàng năm của tỉnh ủy về công tác nội chính và PCTN, triển khai kịp thời, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh ủy; xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể, bám sát thực tiễn phát sinh ở cơ sở, tham mưu đề xuất kịp thời các giải pháp xử lý các vụ án, vụ việc với ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy.
 
    Thứ ba, phải thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thường trực tỉnh ủy chủ trì các hội nghị giao ban công tác nội chính định kỳ để đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian trước và định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo, thông qua đó cấp ủy nắm bắt tình hình có liên quan, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ việc, vụ án để cho ý kiến chỉ đạo.
 
    Thứ tư, năng động trong tổ chức các hoạt động nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát, rà soát kết luận thanh tra, kiểm tra, bảo đảm đúng định hướng, đúng trình tự, quy định của Đảng, sát với thực tiễn địa phương, đơn vị. Nắm chắc tình hình địa bàn và bám sát chức năng nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong thực hiện các nhiệm vụ do tỉnh ủy, ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy giao. Khi mời tham dự các cuộc họp liên ngành xử lý vụ việc, vụ án, đề nghị phải có thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương để việc thống nhất quan điểm và triển khai thực hiện ý kiến thống nhất sau cuộc họp được thuận lợi hơn.
 
    Thứ năm, phát huy tối đa vai trò chủ động tham mưu của ban nội chính tỉnh ủy đối với những nhiệm vụ được giao; nhất là việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và những vấn đề phát sinh từ cơ sở phải được nắm bắt kịp thời để có hướng tham mưu, giải quyết hiệu quả nhất, đồng thời thông qua đó để phát hiện các vụ việc, vụ án cần tham mưu cấp ủy xử lý. Cần phân công các đồng chí lãnh đạo ban, các đồng chí trưởng, phó các phòng, văn phòng trực tiếp phụ trách, theo dõi các quận, huyện, thị, thành ủy và các sở, ngành có liên quan để nắm bắt thông tin, tình hình liên quan đến vụ việc, vụ án.
 
    Và cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất đó là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và có phương pháp, kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng, đáp ứng chuẩn mực đạo đức của người cán bộ nội chính Đảng "Trung thành - Liêm chính Bản lĩnh - Tận tụy". Trên cơ sở đó, xây dựng tập thể các ban nội chính tỉnh ủy phải thật sự đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ đề xuất với ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
TS. Phan Văn Tâm
(Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Nội chính Trung ương)
;
.