Hội thảo góp ý đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) vừa tổ chức Hội thảo góp ý đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên tinh thần Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
TS. Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) chủ trì. TS. Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thành viên Tổ biên tập Luật PCTN và Ngài Francesco Checchi, cố vấn về PCTN của UNODC khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương đồng chủ tọa, điều hành hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Kiểm toán Nhà nước; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; các chuyên gia thuộc Cục Chống tham nhũng, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh Khánh Hòa; cơ quan UNODC tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo |
Hội thảo đã nghe TS. Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật phòng, chống tham nhũng giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), những bình luận, góp ý của chuyên gia UNODC đối với dự thảo Luật PCTN trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cơ bản tán thành các nội dung dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được giới thiệu tại Hội thảo. Chuyên gia UNODC đánh giá cao bước tiến của dự thảo Luật PCTN lần này, nhất là việc nội luật hóa thêm nhiều yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Quy định về kiểm soát xung đột lợi ích là điểm mới mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á chưa có.
Chuyên gia UNODC nhấn mạnh một số yêu cầu quan trọng của Công ước là các quốc gia thành viên phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm phòng ngừa và kiểm soát tham nhũng không chỉ trong khu vực công, mà cả khu vực tư; có các biện pháp cụ thể nhằm xử lý hiệu quả vấn đề công khai tài sản và thu hồi tài sản; có các cơ chế hữu hiệu nhằm phòng ngừa, phát hiện, báo cáo, tố giác tham nhũng, kể cả các cơ chế hiệu quả nhằm bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức, công dân, doanh nghiệp báo cáo, tố giác hành vi tham nhũng; bảo vệ quyền của báo chí và truyền thông trong phát hiện tham nhũng và truyền tải các tin tức, bài báo về tham nhũng... Qua đó, chuyên gia UNODC kiến nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định để cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các thông tin tố cáo, phản ảnh không rõ tên, địa chỉ của người tố cáo, phản ảnh, bởi từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy đây thường là nguồn thông tin có chất lượng; cần quy định hạn mức quà tặng mà công chức được nhận trong một năm, trách nhiệm kê khai, báo cáo mọi khoản quà tặng nhận được; xem xét xử lý thu hồi tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai tài sản đã che dấu, không kê khai.
Đáng chú ý, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, chuyên gia UNODC cho rằng nhất thiết phải xây dựng được hệ thống dữ liệu chung quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập, có sự kết nối với các hệ thống dữ liệu quản lý tài sản, tài khoản của người có chức vụ, quyền hạn. Lực lượng làm công tác kiểm soát tài sản, thu nhập cũng phải có sự độc lập nhất định đối với các đối tượng chịu sự kiểm soát.
Các đại biểu và chuyên gia quốc tế cũng rà soát, thảo luận nội dung từng chương, điều trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), đối chiếu với những quy định có liên quan trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan và từ thực tiễn công tác PCTN để đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh dự án Luật PCTN (sửa đổi).
Hội thảo là bước quan trọng để chuẩn bị cho việc thẩm tra và trình dự án Luật PCTN tại kỳ họp Thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, đồng thời đóng góp những luận cứ khoa học cho việc chuẩn bị đánh giá mức độ tuân thủ của pháp luật Việt Nam đối với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo chu trình đánh giá thứ 2 sẽ được triển khai vào cuối năm 2016.
Ngô Mạnh Hùng
(Thanh tra Chính phủ)