Minh bạch trong đấu giá tài sản để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng

Thứ Sáu, 16/09/2016, 08:52 [GMT+7]

Ngày 14-9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này.

Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, dự án Luật đấu giá tài sản gồm 8 Chương và 79 Điều. Trong đó, dự án Luật bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá (tài sản Nhà nước, tài sản về đất đai, tài sản thi hành án…); bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm...

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần cân nhắc, rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện lại một số điều, khoản quy định trong dự án Luật như: Phạm vi điều chỉnh; Trung tâm đấu giá tài sản; quy định tài sản mang đấu giá... Đặc biệt, vấn đề đấu giá nợ xấu và việc tham gia của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị cần điều chỉnh theo hướng không nên có một quy định riêng cho tổ chức nào; đồng thời cần làm rõ về tài sản được phép giao dịch và tài sản không được phép giao dịch để tránh tiêu cực.

Cụ thể, về Trung tâm đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đề nghị cần nghiên cứu kỹ và phải xuất phát từ tiêu chí, mục đích là thị trường. Khi bộ máy và tư duy của các Trung tâm mang tính bao cấp, vừa nhiêu khê, vừa hạch sách, rất khó cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng -An ninh đề nghị, nên nghiên cứu mô hình tổ chức của Trung tâm đấu giá này theo hình thức doanh nghiệp để tránh tình trạng công chức lợi dụng vị trí để làm lợi cho mình.

Cho ý kiến về vấn đề trên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự án Luật đã bổ sung Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản vào Điều 4 (Giải thích từ ngữ), đồng thời quy định khá rõ về doanh nghiệp đấu giá tài sản. Nhưng khi giải thích về tổ chức đấu giá tài sản, dự án Luật không có quy định đối với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, trong khi đơn vị này vẫn đang hoạt động. Do đó, khi đã bổ sung Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản vào Điều 4 của dự án Luật, cần quy định phương thức chuyển đổi các Trung tâm thành các mô hình doanh nghiệp, hay chấm dứt hoạt động của các Trung tâm này như thế nào…

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn quy định ở Điều 3 và Điều 54 của dự án Luật liên quan đến nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo dự án Luật, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty đã mua. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua là không ổn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các ngân hàng phát sinh nợ xấu rồi thành lập ra Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam để mua lại số nợ này. Nói là mua nợ xấu nhưng bản chất là hạch toán chứ không có tiền để mua. Nếu giao cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua bán nợ xấu rồi tự đi đấu giá sẽ không bảo đảm tính minh bạch. Tại sao lại có một "đặc ân" cho một doanh nghiệp mới thành lập trong khi chưa có đánh giá hoạt động của doanh nghiệp này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm vấn đề này.

                                                                       Hương Thủy

                                                                           (TTXVN)

;
.