Thông cáo Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Thứ Năm, 20/10/2016, 13:52 [GMT+7]
    Trong 2 ngày 17 và 18-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 4 (đợt 2) tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
 
    1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
 
    Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
 
Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XIV (Ảnh TTXVN)
Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XIV (Ảnh TTXVN)
    Năm 2016, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp cùng với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong nước, thiên tai, dịch bệnh, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. 
 
    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực...
 
    Năm 2017, trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh thuận lợi là những kết quả đạt được về hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong các năm qua thì nền kinh tế sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định trong quá trình thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. 
 
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nhận định của các Báo cáo và cho rằng các Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 bám sát Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. 
 
    Đồng thời, cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới của nền kinh tế, từ đó đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, sát thực với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
 
    Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo nêu trên và xây dựng các dự thảo Nghị quyết có liên quan để kịp trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.
 
    2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và xét thấy dự án Luật chưa đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai; đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ. 
 
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để chuẩn bị hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ hai.
 
    3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ hai.
 
    4. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhiệm kỳ 2016-2019.
Tiến Dũng
(TTXVN)
;
.