Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016

Thứ Tư, 05/10/2016, 17:08 [GMT+7]

Ngày 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016 của Chính phủ.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016 có xu hướng giảm so với năm 2015. Từ 01-9-2015 đến 31-8-2016, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 384.785 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với 4.194 đoàn đông người. Các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 228.068 đơn thư các loại, với 37.039 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính; đã giải quyết 29.117/37.039 đơn thư, đạt tỷ lệ 78,6%.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu  trình bày báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016

Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, và số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nội dung khiếu nại hành chính chiếm 94,9%, tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai chiếm 65,8%. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 66,2%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội…

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân gần 486,8 tỷ đồng, 42 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 2.002 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 447 người (đã xử lý 329 người), chuyển cơ quan điều tra 8 vụ, 5 đối tượng.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.536 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 3.091 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 601 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 562 tổ chức, 470 cá nhân; xử lý hành chính 11 cá nhân. Các cơ quan thanh tra đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện 454 kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra trách nhiệm, kết quả cho thấy đã kiểm điểm trách nhiệm 387 tổ chức, 289 cá nhân, đã xử lý hành chính đối với 10 cá nhân.

Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện của công dân vẫn diễn ra phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

Đặc biệt, tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân, khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền và vận động thì có thái độ bức xúc, thậm chí có hành vi chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ.

Dự báo, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm tới nhiều khả năng tăng trở lại và vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ xác định tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo; tiếp tục chủ động kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông người, gay gắt, phức tạp; theo dõi nắm chắc tình hình để giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng”, gây phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự xã hội.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá toàn diện về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế cần được nhanh chóng khắc phục như: số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên tục giảm nhưng tỷ lệ giải quyết cũng có xu hướng giảm; việc tổ chức tiếp công dân tại một số nơi vẫn còn hình thức, chưa thực sự gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn bất cập, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần có quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là đề cao trách nhiệm, tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương đã  nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Một số ý kiến cho rằng, việc bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân không đủ trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm làm hạn chế hiệu quả của công tác này; cần làm rõ công tác tiếp công dân đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công dân chưa, hay còn có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các ngành, các cấp.

                                                                              Tiến Dũng

                                                                               (TTXVN)

;
.