Đề án 1-1133: Nâng cao nhận thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người dân
Thứ Năm, 17/11/2016, 09:04 [GMT+7]
Ngày 15-11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã họp Ban Chỉ đạo Đề án 1-1133 “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở xã phường, thị trấn, giai đoạn 2013 - 2016”. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh chủ trì buổi làm việc.
TTCP được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện Đề án 1-1133.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố cho thấy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức từ cấp cơ sở với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương; công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án cũng đã được quan tâm ở cả 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Đa số các địa phương đều đánh giá, tình hình KNTC trên các địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức pháp luật về KNTC của người dân và ý thức trách nhiệm của nhiều công chức, người có thẩm quyền trong công tác giải quyết KNTC được nâng lên. Tình hình KNTC giảm rõ rệt; phần lớn các vụ KNTC mới phát sinh đã được tập trung giải quyết. Các vụ khiếu kiện đông người được tập trung chỉ đạo xử lý, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài nhiều năm được tập trung giải quyết dứt điểm.
Công tác xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được chú trọng thông qua việc lựa chọn, bồi dưỡng tập huấn thường xuyên. Trong quá trình thực hiện Đề án, từ cấp cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt. Việc lồng ghép thực hiện Đề án 1-1133 với các đề án, chương trình, hoạt động khác tại địa phương đã hạn chế sự trùng lắp trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Tuy nhiên, ở một số tỉnh, việc thực hiện Đề án chưa tạo được chuyển biến như mục tiêu đề ra; tình hình KNTC có giảm nhưng chưa đáng kể; tính chất, mức độ vẫn còn gay gắt, phức tạp, nhất là trên lĩnh vực đất đai, thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng… Công tác tiếp dân tại một số địa phương chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp; chất lượng hiệu quả giải quyết KNTC ở một số địa phương chưa cao, chưa chú trọng yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc; một số trường hợp công dân không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ trong việc KNTC, có hành vi quá khích, tụ tập đông người, gây áp lực đối với chính quyền, gây tác động xấu đến tình hình an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội.
Ở hầu hết các địa phương, việc thực hiện đề án bị chậm so với tiến độ; ở 1 số tỉnh việc triển khai đề án bị dồn vào năm 2015. Một số nơi, triển khai đúng tiến độ, nhưng quá trình thực hiện lại lúng túng. Một số cấp chính quyền địa phương còn bị động, trông chờ hướng dẫn của cấp trên; nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật còn sơ sài, chưa sát với tình hình thực tế và nhận thức của cán bộ nhân dân cơ sở…
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị được giao thực hiện Đề án, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh khẳng định, Đề án đã giúp nhận thức của người dân nâng lên, góp phần ổn định tình hình cơ sở, ổn định tình hình KNTC, một số nơi KNTC giảm; về cơ bản mục tiêu Đề án đã đạt được.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tổ chức thực hiện Đề án ở đâu đó còn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù nhận thức của người dân về pháp luật đã được nâng cao, nhưng vẫn còn số ít nhận thức kém cần phải tuyên truyền.
Phó Tổng Thanh tra cũng cho rằng, cần phải nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật về KNTC ở xã, phường, thị trấn.
TTH
(Báo Thanh tra)
;