Thông cáo số 9 Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV
Thứ Tư, 02/11/2016, 14:07 [GMT+7]
Ngày 01-11-2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.
Buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về: Kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Trong quá trình thảo luận, đã có 27 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015;
- Việc thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công; nguyên nhân nợ công, áp lực nợ công; các chỉ số an toàn nợ công; các giải pháp khắc phục trong thời gian tới;
- Các biện pháp để cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong thời gian tới theo hướng tăng thu, giảm chi, giảm dần nợ công và bội chi; tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương;
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV |
- Nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các lĩnh vực có lợi thế và bảo đảm phát triển bền vững, đồng thời chú trọng vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn;
- Việc lập vốn dự phòng để chi khi khắc phục hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu ở vùng hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra;
- Vấn đề thu ngân sách nhà nước: tránh ban hành các chính sách làm giảm thu ngân sách; về việc sửa đổi một số luật thuế để đáp ứng yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm;
- Về chi ngân sách nhà nước: cần giảm và tiết kiệm chi phù hợp với khả năng thu, sửa đổi các chính sách lạc hậu; chú trọng chi cho xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..;
- Về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 và định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công: cần lường trước những tác động không thuận đến thu chi ngân sách nhà nước thuộc các yếu tố như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, diễn biến giá dầu thô trên thị trường và chỉ số lạm phát…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận về: kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Trong quá trình thảo luận, đã có 18 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2016:
+ Cơ cấu chi; phương thức chi; chi đầu tư phát triển; giải pháp giảm chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách;
+ Các nguồn thu và công tác quản lý thu ngân sách nhà nước;
+ Tình hình bội chi ngân sách; giải pháp giảm bội chi ngân sách; tình hình nợ công, vay đảo nợ;
+ Về công tác quản lý, điều hành ngân sách;
- Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017:
+ Cơ cấu thu, chi ngân sách và mức bội chi ngân sách;
+ Các nguyên tắc, cơ cấu phân bổ chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương;
+ Tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương về các nguồn thu ngân sách và việc giảm tỷ lệ điều tiết của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Các giải pháp cơ bản để thực hiện dự toán ngân sách…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ tư, ngày 02-11-2016, Quốc hội làm việc tại hội trường. Quốc hội thảo luận về: kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
TTXVN
;