Thanh tra ngành Xây dựng: Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra sau 6 năm thi hành Luật thanh tra
Thứ Tư, 26/07/2017, 16:39 [GMT+7]
Theo Báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật thanh tra năm 2010 của ngành Xây dựng cho thấy, trong 6 năm (từ ngày 01-7-2011 đến 30-6-2017), toàn ngành Xây dựng đã triển khai 2.611 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 16.818 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ đã tiến hành 416 cuộc thanh tra bao gồm 376 cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính theo kế hoạch đã được phê duyệt và 40 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo đột xuất. Đã ban hành trên 398 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý 11.018 tỷ đồng và các kiến nghị khác. Việc công khai kết luận thanh tra được Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 39 Luật thanh tra 2010 và Điều 46 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22-9-2011.
![]() |
Thanh tra Bộ Xây dựng - Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật thanh tra |
Công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định kiến nghị xử lý của Đoàn Thanh tra bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực, trong đó ban hành trên 300 văn bản đôn đốc các đơn vị là đối tượng thanh tra thực hiện kết luận; kiểm tra trực tiếp việc thực hiện kết luận tại 45 đơn vị; đôn đốc thực hiện nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền là 128,5/155,4 tỷ đồng, đạt 82%.
Bên cạnh việc giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, còn tiến hành kiểm tra các kết luận do các Sở Xây dựng ở địa phương báo cáo, nhìn chung việc thực hiện pháp luật, tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra đã cơ bản bảo đảm đúng pháp luật và có hiệu lực thi hành, chưa phát sinh khiếu nại dẫn tới việc thành lập đoàn tiến hành thanh tra lại.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật thanh tra, còn một số tồn tại như: Nhận thức và ý thức chấp hành của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế dẫn đến tình trạng chống đối, cản trở hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác thanh tra… Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, chất lượng các cuộc thanh tra được nâng lên, trong thời gian tới cần có giải pháp quan trọng mang tính chất lâu dài, đó là sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra năm 2010 cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành (các nghị định của Chính phủ, thông tư của Thanh tra Chính phủ), các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thanh tra nhằm làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra; các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, không kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị được thanh tra. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kết luận, kiến nghị phải chính xác, khách quan, trung thực, không bao che hành vi vi phạm. Việc công khai kết luận thanh tra phải đúng theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra về việc thực hiện các kết luận, đặc biệt phải nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản sai phạm. Đối với công tác thanh tra chuyên ngành cần triển khai kịp thời, chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất tập trung vào các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm.
Phương Anh
;