Giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật thi hành án dân sự

Thứ Hai, 07/08/2017, 15:16 [GMT+7]

Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao vừa có buổi làm việc nhằm giải quyết một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật thi hành án dân sự.

Báo cáo tại cuộc họp về kết quả công tác thi hành án dân sự có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân, trong thời gian qua, với sự quan tâm, phối hợp tích cực của Tòa án nhân dân tối cao, thể chế về thi hành án dân sự đã cơ bản được hoàn thiện với việc ban hành Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014), 2 Nghị định, 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 7 Thông tư liên tịch, 8 Thông tư và đang cùng hoàn thiện thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quyết định của Tòa án giải quyết vụ việc phá sản theo Luật phá sản năm 2015. Qua đó, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc triển khai hoạt động thi hành án dân sự trong thực tiễn.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Tòa án nhân dân các cấp đã tích cực tham gia các cuộc họp liên ngành cho ý kiến, thống nhất quan điểm, kịp thời giải quyết một số vụ việc khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp trong chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thụ lý và giải quyết kịp thời khi nhận được đề nghị của các cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác định tài sản của người phải thi hành án thuộc khối tài sản chung của hộ gia đình; cùng xét miễn, giảm được 8.455 việc trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, giúp giảm đáng kể lượng án tồn đọng không có điều kiện thi hành… Đáng chú ý, Tòa án nhân dân các cấp đã ra nhiều bản án, quyết định thực hiện kịp thời việc sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định, trả lời kiến nghị, giải quyết các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và đương sự.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục thi hành án dân sự và ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc cho thấy, bên cạnh những kết quả trên thì công tác phối hợp thời gian qua còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, 2 cơ quan chưa chủ động phối hợp thường xuyên để kịp thời chỉ đạo xử lý các vướng mắc liên quan đến việc thi hành án các bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ, khó thi hành. Đối với các bản án tuyên không rõ, khó thi hành, có trường hợp văn bản trả lời của Tòa án chưa đáp ứng yêu cầu, phải giải thích lần 2, lần 3 hoặc giải thích không đúng thẩm quyền, vượt quá nội dung bản án. Ngoài ra, còn một số vụ việc trong quá trình thi hành án có phát sinh khiếu nại, tố cáo hoặc cần xét xử lại nhưng đến nay chưa có kết quả…

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn bạc các giải pháp tháo gỡ. Bộ Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện thể chế; có ý kiến đối với các Tòa án nhân dân địa phương phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân các cấp rà soát lại các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành… Đại diện một số đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao cũng cam kết, sẽ phối hợp không chỉ với Viện kiểm sát nhân dân mà với cả cơ quan điều tra trong những vụ việc liên quan đến tài sản của bị cáo, trong những vụ việc sẽ kịp thời kháng nghị ngay để tháo gỡ vướng mắc cho công tác thi hành án dân sự …

                                                                               Thu Hương

                                                                              (Bộ Tư pháp)

;
.