Hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 22/08/2017, 12:59 [GMT+7]
Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan, ngày 21-8, Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG) tổ chức cuộc họp điều phối các nhà tài trợ.
Đây là sáng kiến của Hội Luật sư Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu những nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phòng, chống tham nhũng của các nền kinh tế thành viên APEC.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi các quốc gia hoàn thiện đánh giá việc thực hiện các công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, đã đặt ra nhiều nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật.
Các đại biểu tham dự cuộc họp |
Việc hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia thành viên là một yếu tố hết sức quan trọng đối với việc thực thi các công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng đã được đặt ra tại các hội thảo diễn ra gần đây trong khuôn khổ SOM 3.
Việt Nam hy vọng sau cuộc họp này, các nhà tài trợ quốc tế sẽ tích cực ủng hộ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tư vấn cho các nền kinh tế thành viên nhằm xác định nhu cầu của mỗi nền kinh tế trong việc giải quyết những tồn tại, hạn chế để vượt qua thách thức và đáp ứng được các yêu cầu của nhà tài trợ.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, các nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam chủ yếu tập trung vào ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng; sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Luật tố cáo, Luật thanh tra; Tổng rà soát, sửa đổi pháp luật về bí mật nhà nước; Tổng kết đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. (2) Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng. (3) Nhu cầu hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng; phát huy vai trò của xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.
Từ những nhiệm vụ trên, Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ của quốc tế cụ thể về công tác nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin đầu vào để soạn thảo văn bản pháp luật; tổ chức các cuộc trao đổi chuyên gia; tổ chức các hội thảo trong nước; tham gia các hội thảo, tập huấn quốc tế; tư vấn trong nước hoặc nước ngoài.
Nội dung cuộc họp sẽ diễn ra trong ba phiên. Cụ thể, Phiên họp 1: Tổng quan về những ưu tiên tăng cường năng lực về phòng, chống tham nhũng; Phiên họp 2: Tham luận của các cơ quan tăng cường năng lực PCTN; Phiên họp 3: Thảo luận nhóm về các cơ hội tăng cường năng lực cho các vấn đề ưu tiên
Tại cuộc họp các đại biểu được nghe các diễn giả đến từ Cơ quan Liên hợp quốc về Phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC); Nhóm công tác phòng, chống rửa tiền của Châu Á - Thái Bình Dương (APG); Sáng kiến Pháp quyền, Hiệp hội Luật sư Hoa kỳ (ABA ROLI); Cơ quan Quản trị hành chính công Mexicô; Văn phòng Công tố Chilê và Ủy ban Chống tham nhũng Indonexia trình bày các bài tham luận.
Tại phiên thảo luận nhóm, đại diện Việt Nam tham gia trình bày một số đề xuất cho nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Trong đó, nhấn mạnh đến nhu cầu hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật thanh tra và xây dựng Luật thanh tra mới; cung cấp Luật mẫu và các thực tiễn tốt/bài học kinh nghiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài; hình sự hoá tội phạm tham nhũng của pháp nhân; hình sự hoá tội phạm làm giàu bất hợp pháp; tội phạm rửa tiền; cung cấp các khóa tập huấn, đào tạo, tăng cường năng lực cho đơn vị tình báo tài chính, các cơ quan: ngân hàng nhà nước, công an, kiểm sát, Tòa án để phát hiện, điều tra các vụ việc rửa tiền... Đại diện Việt Nam nêu đề xuất, các nhu cầu này có thể được thực hiện dưới các hình thức hỗ trợ ưu tiên như nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin đầu vào để soạn thảo văn bản pháp luật; tổ chức các cuộc trao đổi chuyên gia; tổ chức các hội thảo trong nước; tham gia các Hội thảo, tập huấn quốc tế; tư vấn trong nước hoặc nước ngoài.
P.V
;