Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017
Thứ Ba, 19/09/2017, 15:20 [GMT+7]
Chiều 15-9, tại Hà Nội, tiếp tục Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.
Theo Các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2016 đến nay nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các cơ quan hành chính nhà nước nhận được 56.762 đơn khiếu nại, 15.148 đơn tố cáo. Các Tòa án đã nhận được 21.341 đơn thư các loại; trong đó có 7.244 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.531 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng; 59 đơn tố cáo đối với cán bộ tòa án. Viện kiệm sát nhân dân các cấp đã thụ lý 31.780 đơn/16.219 vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp và đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nhìn chung, các khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Điều đáng lo ngại là một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện; công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số địa phương còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn những hạn chế nhất định, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp…
Quang cảnh buổi làm việc |
Trong quá trình giải quyết, Chính phủ, toà án và viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tập trung tiếp công dân, tăng cường xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với nhiều bộ, ngành chặt chẽ và hiệu quả hơn trước để tạo sự đồng thuận trong giải quyết, nhiều vụ việc đã chấm dứt khiếu nại kéo dài, kết quả giải quyết có lý, có tình và có sức thuyết phục hơn. Tòa án đã tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ có liên quan. Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh tập trung làm tốt công tác kiểm tra việc xét xử đối với các tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý, qua đó chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao đã xem xét 59 đơn, xử lý kỷ luật 117 luật cán bộ, công chức Tòa án nhân dân địa phương do vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm trong công tác. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 54,3%; tăng cường công tác kiểm tra các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, đã phát hiện và hủy bỏ nhiều quyết định giải quyết khiếu nại của viện kiểm sát nhân dân cấp dưới trái pháp luật, thiếu căn cứ để giải quyết lại, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho công dân…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viên kiểm sát nhân dân còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể: Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm nhiều nhưng tỷ lệ vụ việc được giải quyết không tăng đáng kể; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; tiến độ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo chậm; vẫn còn những bản án tuyên không rõ, khó thi hành; công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại về tư pháp ở một số Tòa án chưa được quan tâm đúng mức; việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho người khiếu nại, tố cáo trong một số trường hợp chưa thực sự đầy đủ...
Tại Phiên họp, đa số ý kiến tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 và cho rằng các Báo cáo đã phản ánh khá toàn diện về tình hình, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua. Tuy nhiên, đề nghị cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cung cấp thêm số liệu kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu nơi có vi phạm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nêu rõ kết quả giải quyết đối với những khiếu nại, tố cáo của năm trước chuyển sang; phân tích việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, nhất là những quyết định của những năm trước chưa thực hiện...
Một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; rà soát những bất cập, tồn tại của chính sách pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, thực hiện chính sách an sinh xã hội và một số lĩnh vực khác có phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Rà soát, chấn chỉnh, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao trực tiếp liên quan đến lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo tòa án nhân dân các cấp, viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Nguyễn Phương Thảo
;