Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt
Thứ Ba, 12/09/2017, 13:53 [GMT+7]
Ngày 11-9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 14 thẩm tra dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp.
Những năm gần đây, kinh tế nước ta có dấu hiệu chững lại do việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế như khoáng sản, đất đai, nhân công giá rẻ... đang dần tới hạn; sức hút của các mô hình kinh tế của khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất đang giảm dần, thiếu động lực đột phá. Nhằm luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế tại các Đại hội VIII, IX và XII của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp về đơn vị HCKTĐB áp dụng tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập. Đây đều là những khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế nếu có được các thể chế, chính sách về kinh tế, hành chính, tư pháp phù hợp và vượt trội so với trong nước và quốc tế. Do vậy, Chính phủ cho rằng, cần thiết phải xây dựng Luật điều chỉnh riêng để tạo cơ sở pháp lý áp dụng đối với mô hình phát triển mới tại các Đặc khu nêu trên.
Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV sáng 11-9 |
Dự thảo Luật gồm 6 Chương, 78 Điều và 4 Phụ lục quy định chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương, Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan nhà nước khác tại Đặc khu, tập trung quy định vào 3 vấn đề chính: (1) Chính sách phát triển kinh tế - xã hội; (2) Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước khác tại Đặc khu; (3) Quy định riêng đối với 3 đặc khu.
Tại Phiên họp, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo đó, tập trung quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội áp dụng chung đối với 3 đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và có tính đến đặc thù của từng đơn vị. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được luật đối với cả 3 đơn vị HCKTĐB nêu trên, Quốc hội cần phải ban hành Nghị quyết thành lập và hoạt động cho từng đơn vị HCKTĐB. Do đó, đề nghị, ngoài hồ sơ dự án luật đã trình, Chính phủ cần xây dựng 03 đề án đối với từng đơn vị HCKTĐB nêu trên.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định những vấn đề chung đối với đơn vị HCKTĐB, còn các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù sẽ được xem xét khi Quốc hội quyết định thành lập từng đơn vị HCKTĐB để bảo đảm phù hợp với tiềm năng thế mạnh của mỗi đơn vị.
Về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, Dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND và UBND). Trưởng Đơn vị HCKTĐB là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB và chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu HĐND tỉnh, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Một số ý kiến tán thành với phương án Chính phủ trình và cho rằng phương án này thể hiện tính "đặc biệt" về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, tạo điều kiện tối đa cho việc giải quyết các chính sách cụ thể của loại hình đơn vị đặc biệt này.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định trên để đảm bảo tính hợp hiến; đồng thời, đưa ra phương án tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB bao gồm HĐND, UBND, các cơ quan chuyên môn của Hội đồng đặc khu, Ủy ban đặc khu và các khu hành chính. Thu hẹp thẩm quyền tập thể của Ủy ban đặc khu; tập trung quyền ban hành thể chế để điều hành đơn vị HCKTĐB và thẩm quyền điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội vào người đứng đầu Ủy ban đặc khu; đối với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, ngoại giao thực hiện theo quy định của chính quyền trung ương và chính quyền cấp tỉnh. Hội đồng đặc khu chỉ tập trung vào chức năng giám sát.
Về mô hình cơ quan tư pháp, Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: 1) Thành lập Tòa án nhân dân đơn vị HCKTĐB có thẩm quyền như TAND cấp tỉnh, thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các loại vụ án. Việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm do TAND cấp cao giải quyết. 2) Không thành lập TAND đơn vị HCKTĐB. Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các loại vụ án.
Tại Phiên họp, đa số ý kiến đề nghị cân nhắc cả 02 phương án trên. Đề nghị giữ nguyên tòa án tại đơn vị này theo quy định hiện hành (tòa án nhân dân cấp huyện); bổ sung thêm một số thẩm quyền cho Tòa án tại các đơn vị này để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn tổ chức ở đơn vị HCKTĐB.
Ngoài những vấn đề trên, tại Phiên họp, các đại biểu còn góp ý vào các chính sách đặc thù quy định trong dự thảo Luật; việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; lựa chọn pháp luật nước ngoài áp dụng đối với hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài và nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đơn vị HCKTĐB.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;