Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Thứ Năm, 21/09/2017, 14:55 [GMT+7]
    Tiếp tục phiên họp thứ 14, ngày 20-9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hộiUông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
 
    Theo Tờ trình về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật là tiếp tục xác định nhiệm vụ chính của Luật phòng, chống tham nhũng là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự đã được quy định trong pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để tạo ra khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng. Đồng thời, mở rộng từng bước, có chọn lọc về phạm vi điều chỉnh của Luật để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước nhằm chống sự thông đồng tham nhũng giữa khu vực công và khu vực tư, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người gửi tiền và các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện...
 
  Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Phiên họp
    Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Chính phủ đề nghị mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước; trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (gọi chung là các tổ chức xã hội). Còn đối với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức xã hội khác, dự thảo Luật chỉ quy định các tổ chức này có trách nhiệm tự ban hành, thực hiện quy định đối với một số nội dung về phòng ngừa tham nhũng.
 
    Thẩm tra về nội dung này, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài nhà nước” đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực công. Bên cạnh đó, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư; Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực này như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
 
    Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã được Bộ luật Hình sự điều chỉnh. Trên thực tế, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp “sân sau”, được sự “đỡ đầu”của người có chức vụ, quyền hạn. Những hành vi này vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước (người không phải cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm của hành vi tham nhũng). Vì vậy, ý kiến này cho rằng, hiện nay chúng ta còn chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước, thì trước mắt chưa mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Riêng đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước thì sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
 
    Đây cũng là ý kiến chung của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì rằng phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước là nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất trong công tác này, do vậy cần tập trung để thực hiện tốt. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu mở rộng phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước phải bảo đảm phòng, chống tham nhũng hiệu quả, vừa không làm ảnh hưởng đến đến quyền tự do kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thêm, quy định phòng, chống tham nhũng ngoài khu vực nhà nước hoàn toàn phù hợp với các Công ước quốc tế. Tuy nhiên, trước hai luồng ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn phạm vi, chủ thể của những đối tượng chịu tác động của Luật này.
                                                                 Vũ Khuyên
                                                          (Truyền hình Quốc hội)
;
.