Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Thứ Năm, 07/09/2017, 16:29 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình Phiên họp lần thứ 7, ngày 6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi) của Chính phủ. Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì phiên họp.
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, công tác PCTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp…
Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại Phiên họp |
Tình hình trên là do quy định công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp, chưa toàn diện. Chưa quy định đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Các quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng và không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập. Các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa phù hợp, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng… Do vậy, cần thiết phải xây dựng Luật PCTN (sửa đổi).
Tại Phiên họp, các ý kiến tập trung thảo luận vào nhiều nội dung của dự thảo Luật, đó là:
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (sang khu vực ngoài nhà nước) song đề nghị giải thích rõ khái niệm “tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước”; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các tổ chức xã hội thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện, các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư.
Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) quy định trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra từ cấp tỉnh trở lên, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Trường hợp không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì chủ động chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Đa số ý kiến không tán thành với quy định trên, đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật PCTN hiện hành, theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng thì cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm đảm bảo xử lý hiệu quả, kịp thời hành vi tham nhũng. Việc quy định trách nhiệm xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện hành vi tham nhũng có thể dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài, người có hành vi tham nhũng có thể hợp thức hoá chứng từ, che giấu dấu vết tội phạm gây khó khăn cho hoạt động điều tra sau đó.
Về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý trong dự thảo Luật. Bổ sung các giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội để đảm bảo được tính toàn diện và hiệu quả trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
Ngoài những vấn đề trên, một số ý kiến đề nghị không quy định về trách nhiệm báo cáo riêng về công tác PCTN của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong dự thảo Luật. Cần có sự tổng kết, đánh giá, xác định cụ thể về mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng; quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để tăng cường hiệu quả hoạt động của từng đơn vị.
Kết luận Phiên họp, đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp yêu cầu Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn chỉnh dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 10-2017.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;