Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Sửa đổi lối làm việc" - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ Năm, 19/10/2017, 16:30 [GMT+7]
    Kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, ngày 18-10 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sửa đổi lối làm việc” - Những vấn đề lý luận và thực tiễn.
 
    Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông chủ trì Hội thảo.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và hoàn thành tháng 10-1947. Đây là lúc tình hình đất nước và công tác xây dựng Đảng đang đặt ra những yêu cầu mới. Tác phẩm gồm 6 phần lớn, đề cập việc sửa chữa, đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm sửa chữa các khuyết điểm, phát huy những ưu điểm. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đặt vấn đề và trình bày một cách hệ thống tư tưởng đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Từ khi ra đời, “Sửa đổi lối làm việc” đã thực sự trở thành cuốn cẩm nang hết sức bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
 
    Kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sửa đổi lối làm việc” - Những vấn đề lý luận và thực tiễn được tổ chức nhằm khẳng định những giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn của tác phẩm đối với sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh nói chung và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng.
 
    Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung thảo luận, làm rõ 7 vấn đề về lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Đó là: “Sửa đổi lối làm việc” với vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi những sai lầm, khuyết điểm của Đảng; “Sửa đổi lối làm việc” - bài học tăng cường công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; “Sửa đổi lối làm việc” - những nguyên lý xây dựng Đảng về đạo đức; “Sửa đổi lối làm việc” – những chỉ dẫn vô cùng quý báu về công tác cán bộ của Đảng; “Sửa đổi lối làm việc” - sự đổi mới toàn diện phương thức lãnh đạo của Đảng; “Sửa đổi lối làm việc” - bài học về xây dựng phong cách công tác khoa học, dân chủ, quần chúng cho cán bộ, đảng viên; “Sửa đổi lối làm việc” với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
 
    Với 45 tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhìn chung các ý kiến đã khẳng định một số vấn đề: “Sửa đổi lối làm việc” là nhiệm vụ thường xuyên, khách quan của cách mạng và là quy luật phát triển của Đảng cầm quyền. Tác phẩm đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiểu biết lý luận và thực tiễn đối với cán bộ, đảng viên đồng thời khẳng định quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những nguyên lý xây dựng Đảng về đạo đức, những chỉ dẫn quý báu về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.
 
    Nhiều ý kiến khẳng định, “Sửa đổi lối làm việc” là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân. Từ tinh thần của tác phẩm góp phần gợi mở, vận dụng vào việc cải cách bộ máy, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong điều kiện mới đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
 
    Nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm góp phần thiết thực vào thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
                                                                                  Minh Châu
;
.