Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có nhiều điểm mới
Thứ Năm, 26/10/2017, 15:44 [GMT+7]
Ngày 25-10, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có nhiều điểm mới.
Tờ trình dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ trưởng Tô Lâm trình bày nêu rõ, việc xây dựng Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật.
Luật còn thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với điều kiện, yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay. Dự thảo Luật được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 39 điều.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ những điểm mới của dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Trong có, bổ sung tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật nhà nước bị lộ, mất.
Thu hẹp chủ thể có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đối với cả 3 cấp độ mật để bảo đảm sự tập trung, thống nhất về chủ thể ban hành danh mục bí mật nhà nước; kịp thời, đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Một điểm mới nữa đó là Dự thảo quy định Trưởng các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức xã hội cấp trung ương không phải lập danh mục bí mật nhà nước.
Trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước có 8 nội dung mới, quy định cụ thể trách nhiệm nhằm nâng cao trách nhiệm của người soạn thảo văn bản, hạn chế lộ, mất bí mật nhà nước. Thống nhất và mở rộng thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước; bổ sung đối tượng được phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước nhằm khắc phục hạn chế về thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tiếp cận bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác.
Việc mang bí mật nhà nước đi công tác trong nước và nước ngoài phải xuất trình văn bản xin phép có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.
Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; làm rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành đặc thù, như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV |
Luật An ninh mạng góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Trong tờ trình dự thảo Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, dự thảo Luật an ninh mạng gồm 8 chương, 55 điều, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng; nhằm phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tờ trình do Bộ trưởng Tô Lâm trình bày cũng nêu rõ, theo dự thảo Luật An ninh mạng, các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được quy định trong 7 điều (từ Điều 22 đến Điều 28), cụ thể: Xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng; Phòng, chống tấn công mạng; Phòng, chống khủng bố mạng; Phòng, chống chiến tranh mạng; Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; Các biện pháp áp dụng khi gia tăng nguy cơ xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Đặc biệt, chương VII gồm 9 điều (từ Điều 45 đến Điều 53) quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng; Trách nhiệm của chủ thể sản xuất, kinh doanh thiết bị số và cung cấp dịch vụ mạng, ứng dụng mạng; Trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; Trách nhiệm của cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; phát hiện, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng đến cơ quan có thẩm quyền hoặc Công an nơi gần nhất; giúp đỡ tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng; tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ Bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội do ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm trình bày nêu rõ UBQPAN tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước như Tờ trình của Chính phủ đã nêu; đồng thời nhấn mạnh, sau hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngày càng cao. Mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.
Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng nêu rõ, đa số ý kiến nhận thấy, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; dự thảo Luật có nhiều nội dung kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Các ý kiến góp ý cũng được nêu ra để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung điều luật cho cụ thể, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
Đối với dự thảo Luật An ninh mạng, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở và hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.
Quốc hội cơ bản tán thành với việc giao Bộ Công an thẩm định, đánh giá chứng nhận hợp quy, kiểm tra, đánh giá an ninh mạng trước khi đưa vào sử dụng, vận hành đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia để sớm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Về việc xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong Chương III, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết phải quy định việc xử lý hành vi sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi nêu tại Điều 22. UBQPAN cũng nhất trí với sự cần thiết phải quy định về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước…
Kim Anh
;