Cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ bí mật Nhà nước và Luật an ninh mạng
Thứ Ba, 14/11/2017, 11:03 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 13-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật bảo vệ bí mật Nhà nước và Dự án Luật an ninh mạng.
Xây dựng và ban hành Luật bảo vệ bí mật Nhà nước là yêu cầu khách quan
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, sau hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ bí mật Nhà nước.
Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng cao.
Mặt khác, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, thời gian qua, có tình trạng lộ, lọt nhiều bí mật Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Ví dụ, việc lộ, lọt bí mật trong lĩnh vực chỉ đạo của cơ quan chức năng đối với vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ gây khó khăn trong quá trình tố tụng; lộ, lọt thông tin, bí mật trong đấu thầu công trình sẽ gây ra lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Vì vậy, theo đại biểu Đinh Duy Vượt, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua là yêu cầu khách quan.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng chỉ rõ, xuất phát từ thực tiễn công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, yêu cầu của quá trình hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, cần thiết phải xây dựng Luật bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm bảo đảm sự tương thích với các Hiệp định bảo vệ tin mật giữa Việt Nam và các nước; phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu nội luật hóa, tạo cơ sở cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong phối hợp, chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước (ngày 25-10) |
Đề nghị bổ sung quy định hội nghị, hội thảo có nội dung liên quan đến bí mật Nhà nước
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đa số đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo Luật.
Theo đó, dự thảo Luật quy định về bí mật Nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ bí mật Nhà nước; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước.
Một số ý kiến cho rằng, trên thực tế, danh mục bí mật Nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực bao gồm cả những tài liệu của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam.
Vì vậy, để có cơ sở quản lý, bảo vệ bí mật Nhà nước trong các hoạt động hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin, các đại biểu đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với những thông tin bí mật do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam theo các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Liên quan đến danh mục bí mật Nhà nước, có ý kiến cho rằng, xác định danh mục bí mật Nhà nước rất khó, vì bao hàm trên nhiều lĩnh vực.
Vì vậy, cần làm rõ khái niệm thế nào là bí mật Nhà nước, tránh tuyệt đối tình trạng lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để bưng bít thông tin vì mục đích nhóm hay lợi ích cá nhân.
Dẫn chứng có trường hợp các cơ quan chức năng cứ đóng dấu mật cho các văn bản, tài liệu mặc dù thông tin trong những văn bản đó không phải là mật, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) lưu ý, ban soạn thảo cần cân nhắc rất kỹ trường hợp nào văn bản là mật, trường hợp nào không phải là mật.
Về tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước, khoản 4 Điều 14 dự thảo Luật quy định: "Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước phải tổ chức ở nơi bảo đảm an toàn và đúng đối tượng. Thông tin phổ biến, nghiên cứu, trao đổi phải đúng nội dung được phê duyệt và bảo vệ theo quy định của Luật này."
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đánh giá, trên thực tế, việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có sử dụng, trao đổi thông tin bí mật Nhà nước chưa được kiểm soát chặt chẽ về địa điểm tổ chức, thành phần, đối tượng tham dự, phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, dẫn đến nguy cơ lộ bí mật Nhà nước.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, làm rõ quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước nhằm hạn chế tối đa việc lộ thông tin bí mật Nhà nước qua các hoạt động này.
Tránh chồng chéo với các luật có liên quan
Tại phiên làm việc chiều 13-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, cho ý kiến về dự án Luật an ninh mạng.
Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật an ninh mạng. Đại biểu Ngô Minh Châu (Thành phần Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, trong bối cảnh nước ta phải đối mặt với sự đe dọa từ tội phạm mạng gây mất an toàn thông tin; một số tổ chức, cá nhân bị "rình rập" bởi các hình thức tấn công qua mạng như phần mềm gián điệp, phát mã độc để hủy hoại dữ liệu, đánh cắp thông tin…
Việc xây dựng dự án Luật là rất cần thiết để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công, khủng bố mạng.
Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội lưu ý, các quy định trong dự thảo Luật an ninh mạng còn trùng lắp với Luật cơ yếu, Luật giao dịch điện tử, Luật an toàn thông tin mạng, Luật quốc phòng, thậm chí chồng chéo cả về chức năng quản lý Nhà nước giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), an ninh mạng là chiến lược lâu dài và là một phần của an toàn thông tin mạng, vì thế cần xem xét, tính toán sự phù hợp, tương thích với Luật an toàn thông tin mạng.
Dự án Luật an ninh mạng phải tập trung điều chỉnh hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng và các quy định trong dự án Luật cần bám sát mục tiêu này.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, một số quy định trong dự án Luật còn chồng chéo, trùng lắp với các văn bản luật khác.
Dẫn chứng quy định về thẩm quyền thẩm định của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi Luật an toàn thông tin mạng là Bộ Thông tin và Truyền thông thì dự thảo Luật này lại quy định là Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị.
Do đó, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh dự án luật, rà soát các quy định nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này đạt hiệu quả.
Đối với chính sách của Nhà nước về an ninh mạng (Điều 4), một số ý kiến đề nghị bổ sung các chính sách về bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng an ninh mạng, đầu tư, bố trí kinh phí để bảo vệ an ninh mạng.
Về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 dự thảo Luật, một số đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát các hành vi có liên quan được quy định trong Bộ luật Hình sự để đưa vào quy định cấm trong Luật này; thiết kế các quy định cấm theo hướng cấm các hành vi xâm phạm, phá hoại, tấn công hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; cấm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cấm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, không gian mạng để xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
TTXVN
;