Công khai, minh bạch trong các dự án đầu tư theo hình thức BOT
Thứ Tư, 15/11/2017, 14:11 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình làm việc chiều 14-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Quy mô đầu tư phải tính đến hiệu quả
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (dự án); nhìn nhận đây là cú hích, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị với một dự án lớn như vậy, cần có tầm nhìn dài hạn, giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh một lần, cắm mốc lộ giới để ổn định cuộc sống cho người dân và đặc biệt không để tình trạng đầu tư xong nhưng sử dụng không hết công suất, gây lãng phí lớn.
Các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết đầu tư dự án vì cho rằng dự án hoàn thành góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-chính trị xã hội; kết nối các vùng kinh tế trọng điểm; nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng. Về quy mô đầu tư, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe.
Song cũng có ý kiến đề nghị đối với một số dự án cao tốc đi qua cửa ngõ lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cần nghiên cứu từ 8 đến 10 làn xe. Một số đại biểu khác lại cho rằng cần tính toán giải phóng mặt bằng toàn tuyến theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai.
Nhấn mạnh quy mô đầu tư phải tính đến hiệu quả, phải có tầm nhìn dài hạn, không để tình trạng đầu tư xong lại không có xe đi, hoặc không sử dụng hết công suất gây lãng phí, hoặc đầu tư để hiệu quả ngay nhưng lại sớm quá tải, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ phải quan tâm đến giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh một lần, cắm mốc lộ giới để ổn định cuộc sống, hạn chế những chi phí đền bù trong thời gian tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội |
Cạnh tranh minh bạch
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận là trong 11 dự án thành phần có tới 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (hợp đồng BOT).
Trong khi đó, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cho thấy hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Do đó, các ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những hạn chế đã chỉ ra.
Các biện pháp cần bảo đảm rõ tiêu chí để lựa chọn dự án BOT, tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư; quy định chặt chẽ để bảo đảm nhà đầu tư thực góp vốn; đồng thời BOT chỉ áp dụng đối với những tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), cả 8 dự án triển khai theo hình thức hợp đồng BOT đều trộn lẫn ngân sách và phần thu phí trong chi phí xây dựng, trong khi chưa đánh giá hợp lý khả năng thu phí hoàn vốn, chưa có tiêu chí để xác định ngân sách sẽ đầu tư đoạn đường nào, phần nào của dự án.
Đại biểu nêu thực tế, nhiều dự án có thể thu hồi toàn bộ vốn trong thời gian ít hơn rất nhiều so với vòng đời trung bình của dự án BOT là 24 năm nhưng vẫn dự kiến bố trí ngân sách là không hợp lý.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ rà soát đánh giá và xác định các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn, làm cơ sở bố trí kinh phí ngân sách, minh bạch giữa ngân sách và thu phí. Các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng trái phiếu; các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí lập thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế dự toán, công tác đầu thầu quyết toán. Chi phí xây dựng, nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ, sau đó tổ chức thu hồi thu phí hoàn vốn.
Nhìn nhận hiện tại yêu cầu phát triển giao thông rất lớn nên BOT là hình thức đầu tư phù hợp nhằm giảm áp lực nợ công, tiết kiệm chi phí vận hành khai thác, song đa số đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế đầu tư dự án BOT theo hướng đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh minh bạch.
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) nêu ý kiến cần thực hiện đấu thầu rộng rãi, không thực hiện chỉ định thầu như một số dự án BOT trong thời gian qua. Quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư ngay từ đầu, quản lý chặt chẽ giá thành, giá hợp đồng, không để như ở một số dự án vừa qua, khi thanh tra, kiểm toán công trình thì tổng mức đầu tư, thời gian thu phí giảm nhiều so với hợp đồng ban đầu, tạo hoài nghi có lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết những đoạn đường lựa chọn đầu tư thực sự là những đoạn rất cấp thiết, nếu không xây dựng thì trong vài năm nữa sẽ ách tắc nghiêm trọng.
Với 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ trưởng khẳng định đã nhìn thấy rõ những hạn chế của hình thức đầu tư này trong thời gian qua và cho biết sẽ khắc phục bằng cách đấu thầu toàn bộ các dự án một cách công khai, minh bạch; kiểm tra, quyết toán kịp thời để xác định các dự án.
Quỳnh Hoa - Hữu Kiên
(TTXVN)
;