Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Thứ Tư, 22/11/2017, 14:08 [GMT+7]
Ngày 21-11-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp. Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đã có 33 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận và 11 lượt đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung sau:
- Về các vấn đề chung: Sự cần thiết sửa đổi luật; phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; các hành vi tham nhũng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của cơ quan báo chí, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; làm rõ nội hàm tham nhũng để xác định phạm vi điều chỉnh, phân định tài sản tham nhũng và tài sản bất minh, quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản; bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo luật;
- Về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước nhằm phòng, chống hiệu quả tình trạng tham nhũng ở khu vực này, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, Công ước quốc tế và thông lệ quốc tế; việc mở rộng cần có lộ trình, có thời gian để bảo đảm khả thi; phạm vi mở rộng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và đối với tổ chức xã hội có huy động tiền của người dân; cơ chế giám sát thực hiện;
Theo Tờ trình dự án luật của Chính phủ, quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập phù hợp sẽ giúp cho quá trình kiểm soát biến động tài sản, thu nhập, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau nên Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến 2 phương án:
- Phương án 1: mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn); viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng tài chính công, tài sản công
- Phương án 2: thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, chỉ tập trung vào đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ cao (từ 0,7 trở lên ở cấp Trung ương và 0,9 trở lên ở cấp địa phương) và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao do Chính phủ quy định.
- Về phòng ngừa tham nhũng: Kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng chế độ liêm chính trong phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý tài sản tham nhũng, bảo đảm thu hồi đầy đủ tài sản tham nhũng.
Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Ðảng; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập và Tổ xác minh; cân nhắc cần bổ sung cơ quan thuế là cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, theo quy định hiện hành, đối tượng phải kê khai được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên và việc kê khai được thực hiện hàng năm.
“Qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn (trung bình khoảng hơn 1 triệu bản kê khai mỗi năm), vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp chưa đồng tình với phương án 1”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Với phương án 2, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cần làm rõ lý do; đánh giá tác động của việc thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập so với quy định của Luật hiện hành…
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.
Việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”
Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình hai kỳ họp hay ba kỳ họp Quốc hội.
Vũ Khuyên
(Truyền hình Quốc hội)
;