Khai mạc Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 11-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 19.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Phiên họp thứ 19 diễn ra trong 3 ngày rưỡi, với nhiều nội dung quan trọng như, tổng kết, đánh giá Kỳ họp thứ Tư và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm; cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; xem xét đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp |
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực quyền hơn
Báo cáo kết quả giám sát việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày, nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 đến hết tháng 6-2017, HĐND các tỉnh đã tổ chức từ 3-6 kỳ họp, ban hành 3.803 Nghị quyết. Công tác rà soát nghị quyết được chú trọng; hoạt động thẩm tra các dự thảo nghị quyết, đề án, tờ trình của các Ban của HĐND được đổi mới, báo cáo mang tính phản biện cao. HĐND các cấp đã đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Việc xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế; hoạt động xem xét, thẩm tra các báo cáo đề án, tờ trình được tiến hành nghiêm túc; hoạt động chất vấn được tăng cường, thời gian được bố trí thỏa đáng (chiếm khoảng 30% thời gian tổ chức kỳ họp)…
Có thể thấy, HĐND các tỉnh, thành phố đã chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn theo luật định, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Qua đó, khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và thực quyền hơn.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Trần Văn Túy cũng chỉ rõ, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND có lúc, có việc còn hình thức. Việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết của HĐND chưa bảo đảm chặt chẽ theo trình tự luật định. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Một số kiến nghị sau giám sát chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, nhiều địa phương chưa thực hiện được nội dung này. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít, chưa khắc phục được tình trạng thành phần tham dự tiếp xúc cử tri chủ yếu là cán bộ xã, thôn, bản, khu phố; còn có địa phương không tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp; việc giải quyết kiến nghị cử tri của một số đơn vị có lúc còn chậm….
Hiệu quả hoạt động còn chưa đồng đều
Nhất trí với các nhận định nêu trong Báo cáo, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điểm nổi bật trong hoạt động của HĐND là HĐND các tỉnh, thành phố không chỉ giám sát mà đã tái giám sát, quyết tâm truy đuổi, theo đến tận cùng vấn đề. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giữa HĐND các tỉnh, thành phố còn chưa đồng đều, một số nơi có tính nể nang, nên hoạt động chưa thực chất. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, ở những nơi HĐND làm chưa tốt, Báo cáo giám sát chưa chỉ rõ địa chỉ, quy rõ trách nhiệm thuộc Thường trực HĐND hay do quy định của pháp luật? Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cần lý giải vì sao HĐND hoạt động còn chưa hiệu quả?
Cho rằng hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố còn chưa theo kịp tinh thần đổi mới của Quốc hội, Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thẳng thắn, trên nóng nhưng dưới nguội, thể hiện HĐND vẫn chưa tăng cường tranh luận, tăng thời gian chất vấn, truyền hình và phát thanh trực tiếp, lựa chọn những vấn đề bức xúc đưa vào Báo cáo tại các Kỳ họp của HĐND.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh quan tâm đến mối quan hệ giữa các Ủy ban của Quốc hội với các Ban của HĐND. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đang thiếu các quy định để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội với các Ban của HĐND trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động. Hiện nay, việc tổ chức trao đổi kinh nghiệm tùy theo hoạt động, thời gian và kinh phí của từng cơ quan của Quốc hội. Nên chăng, cần nêu yêu cầu trong phần kiến nghị của Báo cáo giám sát để tạo điều kiện cho các Ban của HĐND tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm với các cơ quan của Quốc hội.
Vũ Khuyên