Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự

Thứ Tư, 20/12/2017, 23:27 [GMT+7]

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2017, kết quả thi hành án của toàn hệ thống cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu. Ðáng chú ý, tổng số thụ lý mới vụ việc thi hành án trên toàn hệ thống tăng rất lớn - gần 47 nghìn việc (5,57%) và hơn 28 nghìn tỷ đồng (19,67%) - cao nhất từ trước đến nay về tiền. Các cơ quan thi hành án đã thi hành xong gần 550 nghìn việc và thu hơn 35 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19 nghìn việc và hơn 06 nghìn tỷ đồng so với năm 2016. Kết quả thi hành đối với khoản nợ của các tổ chức tín dụng đạt gần 4.500 việc và gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 01 nghìn việc và hơn tám nghìn tỷ đồng; giá trị thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tăng gần 1,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2016; công tác theo dõi thi hành án hành chính ngày càng đi vào nề nếp; công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, thu hồi những khoản nợ của tổ chức tín dụng có nhiều tiến bộ.

Tập huấn phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự tại địa điểm Quảng Bình
Tập huấn phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự tại địa điểm Quảng Bình

Đến nay đã cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 với hai nghị định, một chỉ thị, tám thông tư liên tịch và 13 thông tư. Ðặc biệt, ngày 6-2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự với nhiều nội dung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Bên cạnh đó, các quy chế phối hợp liên ngành; quy trình nội bộ được chú trọng ban hành, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc. Các văn bản, chỉ thị, chỉ đạo mới của Ðảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thi hành án cũng được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc đến từng đơn vị thi hành án, bảo đảm bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực này.

Thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, hệ thống thi hành án dân sự tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án, coi đây là giải pháp đột phá trong công tác thi hành án dân sự.

Ðể đáp ứng yêu cầu nêu trên, các cơ quan thi hành án vận hành hiệu quả cổng điện tử, trang thông tin điện tử đăng tải công khai danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, rà soát, công bố các thủ tục hành chính. Từ ngày 1-6-2017, đã thống nhất trên toàn quốc thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Việc áp dụng hỗ trợ trực tuyến trong thi hành án dân sự và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa góp phần tạo sự thông thoáng, hạn chế bức xúc, khiếu nại của đương sự.

Xác định rõ định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch, vững mạnh, phù hợp quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”, công tác tiếp công dân tại các cơ quan thi hành án dân sự hướng tới tính hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận từng bước được nâng cao; việc thực hiện quy định người phải đứng đầu cơ quan trực tiếp tiếp công dân ngày càng đi vào nề nếp; số việc khiếu nại, tố cáo giảm, qua đó thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong công tác thi hành án dân sự.

                                                                                        P.V

;
.