Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Tư, 24/07/2019, 10:48 [GMT+7]
    Ngày 23-7, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
    Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Trong 4 năm qua, Luật đã phát huy hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý, tăng cường chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là chưa đảm bảo tính đồng bộ, còn chồng chéo, quá trình ban hành chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do có bất cập lớn liên quan đến cơ quan chủ trì, tiếp thu dự thảo luật; quy trình xem xét, thông qua đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy trình rút gọn trong ban hành văn bản... Để khắc phục tồn tại này, Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội đã đồng ý đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019), Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu dự án Luật và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
 
    Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, đã hoàn thành thủ tục và trình Chính phủ dự án Luật này với đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 44 điều về nội dung và 6 điều về kỹ thuật. Văn phòng Chính phủ với nhiệm vụ là bộ máy tham mưu, giúp việc của Chính phủ đã thẩm tra hồ sơ của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến dự án Luật tại Phiên họp Chính phủ tháng 7-2019.
 
    Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Chính phủ đã trình bày những nội dung lớn cần sửa đổi, bổ sung của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
 
    Theo phương án 1, việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Còn phương án 2 giữ như quy định hiện hành, tức là cơ quan thẩm tra của Quốc hội vẫn chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Đồng thời, dự án Luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.
 
    Nhiều ý kiến chỉ rõ, phương án 1 sẽ bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo, từ đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình chỉnh lý dự thảo; bảo đảm sự phù hợp giữa nội dung của dự thảo với các chính sách đã được thông qua, tạo sự liền mạch hơn trong việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
 
    Phương án này cũng tăng tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; đề cao sự phản biện, góp phần bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội...
 
    Tại Hội thảo, những nội dung liên quan đến việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng đối với một số nghị định; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vấn đề lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.
                                                                                            Lê Sơn
.