50 năm kế thừa, phát huy và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng
Thứ Ba, 13/08/2019, 11:24 [GMT+7]
Sáng 12-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng”. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động trên cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019).
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung uơng Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thuận Hữu, Ủy viên Trung uơng Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Quốc Khánh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chủ trì buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Cùng tham dự tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị của Học viện, lãnh đạo các ban, đơn vị của Báo Nhân Dân và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, buổi tọa đàm là dịp để nhìn nhận lại quá trình 50 năm kế thừa, phát huy, vận dụng tư tưởng của Bác về công tác xây dựng Đảng; đồng thời là dịp để thấy rõ hơn giá trị lịch sử, tầm vóc thời gian, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của bản Di chúc; từ đó khẳng định giá trị to lớn, tính bền vững của bản Di chúc trong bối cảnh mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, buổi tọa đàm cũng là dịp để thảo luận, lắng nghe các ý kiến đóng góp, để từ đó có những định hướng, những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; đồng thời giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe gần 20 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp của các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, thể hiện sự dày công nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và bản Di chúc của Người - công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung uơng Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách và tâm hồn cao đẹp của Người. Bản Di chúc mang tầm cao tư tưởng của vị lãnh tụ kiệt xuất, là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
Bản Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, là tác phẩm bàn về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là phác thảo lý luận về sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Sau nửa thế kỷ, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu có ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam.
Thông qua tọa đàm, các đại biểu đã được tiếp cận bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc độ là một văn bản định hướng cho công tác xây dựng Đảng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng”, điều này thể hiện mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất của Người là xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ba nội dung lớn: Một là, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Hai là, phải phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc; Ba là, nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền là hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng.
Văn Bắc