Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh
Thứ Ba, 29/03/2022, 16:32 [GMT+7]
Theo Báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV của Thanh tra Chính phủ, Chính phủ luôn xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.
Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn phòng, chống tham nhũng với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV |
Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; còn có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước cả ở Trung ương và địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng.
Chính phủ luôn xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để không thể, không muốn và không dám tham nhũng…
Quỳnh Trang