Công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra về công tác thể chế hóa tại Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp
Thứ Bảy, 23/12/2023, 13:47 [GMT+7]
Ngày 22/12, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, Phó Trưởng đoàn kiểm tra 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã chủ trì Hội nghị công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra về kết quả thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước tại Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đồng chí trong Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị có liên quan.
Quang cảnh Hội nghị |
Theo dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai kiểm tra việc thực hiện; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư pháp thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC... Công tác thể chế hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đấu giá tài sản, giám định tư pháp và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật trong đó có Luật Thi hành án dân sự và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2023, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kiểm tra và phát hiện, kiến nghị xử lý đối với 174 văn bản về quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá tài sản có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền...
Bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại để Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp sớm chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới, nhất là lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật tronglĩnh vực giám định tư pháp, đấu giá; trong thẩm định, tham gia ý kiến đối với các VBQPPL, trong đó có lĩnh vực đất đai, đấu thầu...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đạt được trong thời gian qua; khẳng định Bộ Tư pháp không chỉ giữ vai trò là “tổng tư lệnh ngành” trong xây dựng nhiều văn bản QPPL, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về PCTNTC, mà còn thường xuyên rà soát, phát hiện, đề xuất các phương án xử lý cụ thể đối với các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán, đấu thầu, đấu giá, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, góp phần phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, toàn diện công tác kiểm tra VBQPPL, theo dõi tình hình thực thi pháp luật, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư pháp tham mưu hoàn thiện, khắc phục những vướng mắc, bất cập về pháp luật trong thẩm quyền được giao; tham mưu cho Chính phủ có giải pháp hiệu quả và đôn đốc thực hiện để khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành VBQPPL quy định chi tiết các luật đã được Quốc hội giao.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)