Hòa Bình: Chỉ số PAPI năm 2023 tăng 23 bậc, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước
Thứ Sáu, 03/05/2024, 06:43 [GMT+7]
Theo kết quả Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 lần thứ 15 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức trong nước vừa công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình đạt 43,55 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 2,52 điểm, tăng 23 bậc so với năm 2022, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình cao (nhóm xếp thứ 2). Kết quả này là thể hiện sự hài lòng của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp nhằm phục vụ nhân dân.
Đối với tỉnh Hòa Bình, năm 2023, việc phối hợp khảo sát Chỉ số PAPI được thực hiện thông qua người dân tại 12 xóm, tổ dân phố của 6 xã, phường, thị trấn thuộc 3 huyện, thành phố. Cụ thể, tại thành phố khảo sát tại tổ 6, tổ 7, phường Thái Bình; tổ 9, tổ 17, phường Phương Lâm. Huyện Kim Bôi khảo sát tại khu Mớ Đá và khu Thống Nhất, thị trấn Bo; xóm Chỉ Bái và xóm Bà Rà, xã Hùng Sơn. Huyện Mai Châu khảo sát tại xóm Chiềng Hạ và xóm Lầu, xã Mai Hạ; tiểu khu 3 và xóm Vãng, thị trấn Mai Châu.
Quang cảnh Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 |
Trong kết quả Chỉ số PAPI tổng hợp năm 2023 của tỉnh Hòa Bình, có 7/8 chỉ số nội dung tăng điểm và 1 nội dung giảm điểm so với năm 2022. Cụ thể, Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,16 điểm (tăng 0,06 điểm); Công khai, minh bạch đạt 5,13 điểm (tăng 0,01 điểm); Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,46 điểm (tăng 0,14 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,23 điểm (tăng 0,79 điểm); Thủ tục hành chính công đạt 7,35 điểm (tăng 0,7 điểm); Quản trị môi trường đạt 3,88 điểm (tăng 0,45 điểm); Quản trị điện tử đạt 3,15 điểm (tăng 0,56 điểm) so với năm 2022. 1 nội dung giảm điểm là Cung ứng dịch vụ công đạt 7,19 điểm, giảm 0,2 điểm.
Căn cứ chỉ số nội dung xếp theo nhóm, có 4 chỉ số nội dung thuộc nhóm cao là: Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Quản trị môi trường. Có 1 chỉ số nội dung thuộc nhóm Trung bình cao là Tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Có 3 chỉ số nội dung thuộc nhóm trung bình thấp: Công khai, minh bạch; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị điện tử cấp tỉnh.
Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh đã đánh giá một cách khách quan cảm nhận của người dân đối với công tác cải cách hành chính, điều hành kinh tế - xã hội, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại địa phương. Với số điểm 43,55 điểm, thuộc nhóm trung bình - cao trong 63 tỉnh, thành phố đã phản ánh tương đồng với kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023. Qua đó cho thấy, trách nhiệm giải trình, tiếp xúc với người dân của cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền địa phương ngày được nâng cao. Việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh và bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân. Chất lượng dịch vụ xử lý các thủ tục hành chính bảo đảm quy định, đúng thời hạn; năng lực, kỹ năng giải quyết công việc của công chức được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu công việc giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung công việc khác.
Theo Sở Nội vụ, Chỉ số PAPI năm 2023 cho thấy vẫn còn những hạn chế trong điều hành các chính sách, phục vụ người dân như: Việc truy cập, tiếp cận và khai thác thông tin trên internet, sử dụng cổng thông tin điện tử để lấy thông tin về thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn hạn chế. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, cơ sở y tế, chất lượng bệnh viện công lập tuyến huyện, đường bê tông nông thôn, tần suất của dịch vụ thu gom rác thải… chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Từ những kết quả đạt được, Sở Nội vụ đã xây dựng những nhiện vụ, giải pháp để tiếp tục cải thiện Chỉ số Papi năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng công tác tham mưu giải pháp cải thiện các chỉ số nội dung, nội dung thành phần được giao thực hiện; chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần cải thiện Chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh.
Chủ động tham mưu xây dựng các Chương trình, Đề án, Dự án, Kế hoạch để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chủ động triển khai thực hiện. Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra đối với các cơ quan trong tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các Chỉ số nội dung, nội dung thành phần; tổng hợp, xây dựng báo cáo bảo đảm thời gian và chất lượng. UBND cấp huyện tham mưu với cấp ủy cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung của Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh tới cán bộ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. UBND cấp huyện tham mưu với cấp ủy cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chuyên đề theo ngành, lĩnh vực của địa phương theo yêu cầu các sở, ngành. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống người dân. Thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024, đặc biệt gắn với việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, quy chế dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền về kết quả, nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chỉ số PAPI; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI. Hướng tới mục tiêu cuối cùng góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, bảo đảm quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng.
Văn Hiệp