Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 09/07/2024, 22:30 [GMT+7]
Ngày 9/7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo "Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt." Đây là diễn đàn để các SAI và tổ chức quốc tế cùng đóng góp tiếng nói và đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức về phòng, chống tham nhũng, rửa tiền, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các SAI cũng như nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp, bởi tham nhũng gắn liền với quyền lực của những người có chức, có quyền và liên quan đến cả lợi ích vật chất và phi vật chất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, cùng nhiều vấn đề mới nổi trong thời đại ngày nay, hợp tác quốc tế vì hòa bình, phát triển nói chung và trong chống tham nhũng nói riêng là một yêu cầu thiết thực.
Toàn cảnh Hội thảo |
Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, các SAI nắm giữ vai trò thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở khu vực công vì một môi trường quản trị nhà nước tốt. Trước hết đó là vai trò gián tiếp tập trung vào ngăn chặn, răn đe và phòng ngừa. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu chống tham nhũng của các quốc gia, yêu cầu bảo vệ công quỹ, hiệu lực hoạt động và uy tín của các SAI ngày càng tăng. Các SAI có vai trò chủ động hơn trong chống tham nhũng, gồm cả phát hiện và công bố những lĩnh vực có rủi ro tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong chống tham nhũng và công khai kết luận, kiến nghị kiểm toán rộng rãi hơn.
Vai trò đó của SAI thể hiện trên 4 nội dung: Đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình; phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng; thúc đẩy quản trị tài chính lành mạnh và kiểm soát nội bộ mạnh; đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo giúp ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng, gian lận, hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong điều tra, xét xử. Trên thế giới, một số SAI có thêm chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chống tham nhũng như kiểm toán điều tra, kết luận, xét xử, xử phạt… hành vi gian lận, tham nhũng.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của SAI trong chống tham nhũng; vị trí, sự phối hợp của SAI với các cơ quan khác trong thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng; những điều kiện, cơ sở pháp lý, nhân lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để SAI thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng; kinh nghiệm của SAI trong việc phát hiện gian lận và tham nhũng; chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc tham nhũng cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Cơ quan kiểm toán tối cao, qua đó góp phần quan trọng nâng cao tính công khai, minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đó là: (1) Nâng cao nhận thức và sự ghi nhận của công chúng về vai trò của Cơ quan kiểm toán tối cao đối với phòng, chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. (2) Đảm bảo trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật vị thế và tính độc lập của Cơ quan kiểm toán tối cao trong thực hiện nhiệm vụ. (3) Tăng cường quan hệ với nghị viện và các cơ quan chống tham nhũng thông qua chia sẻ thông tin, xây dựng chương trình công tác chung; tổ chức hội thảo, hội nghị chung để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như kết quả kiểm toán, đặc biệt là chia sẻ kết quả đã thực hiện được trong quá trình kiểm toán điều tra. (4) Tăng cường quan hệ quốc tế, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và các phương pháp kiểm toán mới để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Văn Hiếu