Đồng Nai: Lấy ý kiếp góp ý Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí
Ngày 17-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Nhiều đại biểu cho rằng: phạm vi điều chỉnh Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu tập trung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước. Còn đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, Luật cũng cần quy định nhưng chỉ mang tính nguyên tắc để điều chỉnh có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng. Vì theo nhiều ý kiến, nếu Luật quy định và áp dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của nhân dân thì có thể dẫn đến hạn chế quyền sở hữu về tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Đại biểu cho rằng Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần quy định rõ hơn cơ chế, cách thức giám sát của từng đối tượng, bảo đảm quyền giám sát của công dân trong việc phát hiện và phản ánh cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi lãng phí. Hiện nay, tiêu dùng xã hội có biểu hiện lãng phí, tiêu dùng quá khả năng tài chính thực tế, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa khác; việc vận động quyên góp, huy động các nguồn lực trong dân tùy tiện, không minh bạch, sử dụng lãng phí. Nhiều đại biểu tán thành với đề xuất Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan thông tin đại chúng trong tổ chức thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Một số đại biểu cũng cho rằng: Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng cần nêu rõ trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người đứng đầu nếu không xử lý các hành vi vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai cho biết, từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn sẽ tổng hợp và chuyển Quốc hội xem xét, điều chỉnh nhằm góp phần xây dựng Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí ổn định và hoàn chỉnh.
(Theo TTXVN)