Kon Tum: Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2016
Thứ Tư, 13/01/2016, 14:02 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW tỉnh Kon Tum vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2015, triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2016. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì Hội nghị.
Ngay từ đầu năm 2015, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW đã tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện có kết quả Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình công tác cải cách tư pháp năm 2015 của Ban Chỉ đạo. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, từng thành viên Ban chỉ đạo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách.
Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016 và tập huấn nghiệp vụ thi hành án |
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, trong năm 2015, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2015; tiến hành tổng kết và báo cáo kết quả công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ (2011-2015) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại 06 địa phương, đơn vị: Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, huyện Kon PLông và huyện Đăk Hà.
Có thể khẳng định công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp được Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của tỉnh quan tâm thường xuyên, chặt chẽ. Nhờ vậy, công tác cải cách tư pháp tại các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trong năm được triển khai đúng tiến độ, thời gian, chất lượng, có nhiều chuyển biến tích cực:
Công an tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra các cấp thụ lý điều tra 592 vụ/835 bị can, hoàn thành hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 325 vụ/638 bị can, định chỉ điều tra 13 vụ/16 bị can, tạm đình chỉ điều tra 98 vụ/11 bị can; bắt 396 đối tượng, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác 157 trường hợp.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xử lý, kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, gắn công tố với hoạt động điều tra… Viện kiểm sát 02 cấp đã tiếp nhận, xử lý 772 tin báo, tố giác tội phạm, thụ lý 442 vụ/752 bị can, thực hành công tố và kiểm sát điều tra 647 vụ/ 934 bị can.
Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án 2 cấp nâng cao chất lượng thụ lý, giải quyết án; từng bước đổi mới hoạt động xét xử theo hướng kết hợp giữa thẩm vấn với tranh tụng, đặc biệt là tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử. Ngành Tòa án thụ lý 436 vụ/835 bị cáo, đã giải quyết 377 vụ/722 bị cáo, trong đó xét xử 343 vụ/654 bị cáo, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung 29 vụ/60 bị can. Nhìn chung, chất lượng giải quyết án ngày càng cao, tỷ lệ án bị cải sửa, bị hủy giảm, không để xảy ra án oan sai.
Cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật. Kết quả thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Toàn ngành đã giải quyết xong 2.973 việc, đạt tỷ lệ 95,66%; 717 tỷ 249 triệu đồng, đạt tỷ lệ 92,53%. Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành luôn quan tâm củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức của ngành.
Sở Tư pháp thường xuyên đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi hoạt động thực thi pháp luật tại các ngành, địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư. Các hoạt động giám định tư pháp, công chứng, trợ giúp pháp lý, đấu giá tài sản, quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp… được chú trọng tổ chức triển khai theo bề rộng và chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả ngày càng cao trước yêu cầu cải cách tư pháp.
Năm 2016, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW tỉnh Kon Tum tập trung tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 có liên quan đến hoạt động tư pháp. Theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn theo Chương trình trọng tâm cải cách tư pháp giai đoạn 2012 - 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình Cải cách tư pháp năm 2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của tỉnh.
Tiếp tục đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15-8-2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Triển khai thực hiện có kết quả Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác điều tra, xử lý án và công tác bảo vệ Đảng; gắn việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp.
Tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thái Văn Ngọc
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)
;