Lai Châu: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế

Thứ Tư, 10/05/2017, 16:46 [GMT+7]
    Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05-01-2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 86-KH/TU của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 
 
    Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị và kế hoạch thực hiện của Tỉnh ủy, xác định rõ việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong mọi hoạt động kinh tế; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
 
Đồng chí Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu làm việc tại huyện Phong Thổ về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020
Đồng chí Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu làm việc tại huyện Phong Thổ về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020
    Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân nhằm nắm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn và đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xác định rõ vai trò quan trọng của công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
    Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng trong công tác tham mưu chỉ đạo thực hiện các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh kinh tế trên địa bàn; tập trung giải quyết các tình huống phức tạp liên quan đến an ninh kinh tế ngay tại cơ sở. Cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an ninh trật tự các công trình, dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh, của Trung ương triển khai tại địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương hiệu, bản quyền Việt Nam; trên cơ sở thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị kinh tế nhưng phải bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
 
    Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng làm tốt công tác thẩm định những chương trình, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh, nhất là những dự án đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có sinh hoạt tôn giáo, khu vực biên giới, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; kiên quyết xử lý các dự án không thực hiện đúng cam kết, không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, môi trường. 
 
    Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, tập trung đấu tranh với các loại tội phạm kinh tế có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, tham nhũng, buôn luận, sản xuất và tiêu thụ tiền giả, ngoại tệ giả, hàng giả, gian lận thương mại, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, xâm phạm an ninh mạng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin để thu thập thông tin phục vụ lựa chọn đối tác, xác định thị trường, ký kết các dự án, hợp đồng kinh tế của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để  phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, điều hành kinh tế, kịp thời chỉ đạo bổ sung, sửa đổi các chính sách cho phù hợp với điều kiện của địa phương.
 
    Thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, phát hiện, ngăn chặn ý đồ và kịp thời xử lý vi phạm của các đối tác nước ngoài lợi dụng những sơ hở, yếu kém để tạo cớ gây sức ép cạnh tranh, trốn thuế, chuyển giá, thâu tóm, thao túng thị trường; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu; đưa việc thông quan hàng hóa tại các đường mòn, lối mở qua biên giới vào nền nếp, quản lý theo thỏa thuận cấp Chính phủ về hiệp định cửa khẩu.
 
    Các sở, ban, ngành chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh làm tốt công tác hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý ngân sách, đầu tư công, tăng cường quản lý, giám sát các dự án đầu tư nước ngoài đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Cù Tất Dũng
;
.