Ninh Bình: Kết quả công tác trợ giúp pháp lý năm 2017

Thứ Năm, 23/11/2017, 14:33 [GMT+7]
    Hoạt động trợ giúp pháp lý đã và đang góp phần quan trọng vào việc giải tỏa những vướng mắc pháp luật của nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình đã thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, tư vấn pháp luật cho 414 đối tượng là người nghèo, người có công, người chưa thành niên, người dân tộc, người khuyết tật với 416 vụ liên quan đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, đất đai,  khiếu nại, tố cáo, thừa kế, chế độ chính sách… cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bào chữa bảo vệ quyền lợi cho 31 trường hợp, chủ yếu thuộc lĩnh vực hình sự. 
 
Hội nghị tập huấn, triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Sở Tư pháp Ninh Bình tổ chức (tháng 9-2017)
Hội nghị tập huấn, triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Sở Tư pháp Ninh Bình tổ chức (tháng 9-2017)
    Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh còn phối hợp với các Phòng Tư pháp các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh và UBND các xã thuộc các huyện trên tổ chức được 32 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý và một số văn bản chính sách mới cho 1.607 người tham dự, thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho 363 trường hợp, với 365 vụ việc về các lĩnh vực pháp luật như đất đai, hôn nhân gia đình, chính sách, lao động việc làm và lĩnh vực pháp luật khác; tổ chức tuyên truyền pháp luật tại 36 thôn, bản và 10 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ngư dân các xã ven biển; đối thoại chính sách cho gần 800 hộ nghèo để giải đáp những vướng mắc mà người dân đang quan tâm; phát thanh các chuyên mục về trợ giúp pháp lý trên hệ thống truyền thanh địa phương.
 
    Trong năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở tại các huyện Nho Quan, Kim Sơn và thành phố Ninh Bình, thông qua đó đã góp phần bổ sung kiến thức cũng như kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở trong toàn tỉnh. Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình, tâm huyết, đầy trách nhiệm và đã dần khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý là không thể thiếu trong đời sống xã hội.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động trợ giúp pháp lý ở tỉnh Ninh Bình vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế: Nguồn kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và chưa thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia; đội ngũ cộng tác viên tuy đông đảo nhưng chất lượng chưa đồng đều, một số cộng tác viên hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, thiếu kỹ năng tư vấn; các luật sư tham gia cộng tác viên trợ giúp pháp lý còn ít… Để công tác trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả hơn nữa, trong năm 2018, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở, thực hiện tốt công tác tuyên truyền luật và các văn bản pháp luật khác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, nhất là đối tượng được trợ giúp pháp lý với các hình thức phong phú, đa dạng; nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thông qua việc tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật; cung cấp cho trợ giúp viên pháp lý tài liệu chuyên ngành về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính.
 
    Tăng cường đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật là cộng tác viên trợ giúp pháp lý để  nâng cao về chất lượng công tác trợ giúp pháp lý; phát huy tốt sự phối hợp của hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý với các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp như: Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân tham gia nhằm truyền đạt, giải đáp, định hướng giúp người dân có hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc thường gặp, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 
Cù Tất Dũng
;
.