Kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của các tỉnh ủy, thành ủy năm 2017

Thứ Ba, 27/02/2018, 14:19 [GMT+7]
    Năm 2017, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương "tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...". 
 
    Tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh; xây dựng, bổ sung quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ trong các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp, cải cách tư pháp. Phần lớn các địa phương đều phân công đồng chí Bí thư hoặc đồng chí Phó Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh ủy, thành ủy; phân công đồng chí cấp ủy viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn làm Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Định kỳ tổ chức nghe cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan nêu trên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; từng bước khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc can thiệp sâu vào các hoạt động chuyên môn, trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 
 
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Quảng Ninh
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Quảng Ninh
    Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường hơn trước. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan tư pháp. Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương tiến hành giám sát chuyên đề đối với các hoạt động tư pháp. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh tổ chức các đoàn công tác của cấp ủy đi kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp và cải cách tư pháp ở địa phương. 
 
    Tuy nhiên, việc lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp ở các địa phương vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc sau đây: Một số tỉnh ủy, thành ủy chưa kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp. Việc quán triệt thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị khoá X "Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng" và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị khóa XI "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng" chưa đầy đủ, nhất quán. Việc chỉ đạo giải quyết một số vụ án trọng điểm ở địa phương chưa kịp thời, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương; có một số vụ án còn để xảy ra oan, sai, gây bức xúc trong dư luận ở địa phương. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác thi hành án, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tham gia phối hợp quản lý, giáo dục các đối tượng chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo và việc tạo điều kiện cho người đã chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập xã hội.
Nguyễn Văn Đoàn
;
.