Phú Yên: Nhiều kết quả nổi bật trong công tác cải cách tư pháp năm 2017
Thứ Bảy, 03/03/2018, 07:11 [GMT+7]
Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã lãnh đạo Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh (BCĐ) chỉ đạo các cơ quan tư pháp tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP) đạt nhiều kết quả.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ CCTP tiếp tục được tăng cường
Đầu năm 2017, BCĐ đã tổ chức Hội nghị đánh giá tổng kết hoạt động công tác CCTP năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP năm 2017. Trong năm, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ đã chủ trì làm việc với một số cấp ủy địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, qua đó đã phát hiện những vướng mắc, tồn tại của địa phương và có những chỉ đạo cụ thể, đề ra một số giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ CCTP trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian tới. Đoàn kiểm tra của BCĐ CCTP Trung ương do đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ CCTP của địa phương. Định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng, qua hội nghị giao ban, sơ, tổng kết công tác nội chính, Thường trực các huyện, thị, thành ủy nghe các cơ quan tư pháp địa phương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành và chỉ đạo các cơ quan tư pháp kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ CCTP theo quy định.
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực BCĐ; chủ động tham mưu tổ chức các Hội nghị của BCĐ; thực hiện tốt chế độ thao dõi, đôn đốc, thông tin, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ CCTP; tham mưu BCĐ giao các đơn vị liên quan phối hợp Học viện Tư pháp tổ chức mở Lớp đào tạo nghề Luật sư tại tỉnh Phú Yên (56 học viên); tổ chức làm việc với các cơ quan liên quan bàn về việc thành lập Chi bộ Đảng tại Đoàn Luật sư tỉnh; phối hợp với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh rà soát, thống kê trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp trên địa bàn tỉnh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương mở lớp đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại tỉnh Phú Yên (9-2017) |
Các cơ quan tố tụng, cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ CCTP được giao
Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện nhiệm vụ CCTP theo quy định của ngành, đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Chú trọng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ nhằm đảm bảo các vụ án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Cơ quan Công an các cấp đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý và chỉ đạo tập trung lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, đã điều tra, làm rõ 363/443 vụ, đạt tỷ lệ 81,9% (vượt 3,6% chỉ tiêu đề ra). Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh và cấp huyện đã khởi tố mới, thụ lý điều tra tội phạm xâm phạm về trật tự xã hội 521 vụ, 646 bị can, kết thúc điều tra đề nghị truy tố 438 vụ, 743 bị can; khởi tố điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng 07 vụ, 11 bị can, kết thúc điều tra đề nghị truy tố 06 vụ, 14 bị can; khởi tố tội phạm về môi trường 01 vụ, 09 bị can, đề nghị truy tố 04 vụ, 06 bị can về tội hủy hoại rừng; khởi tố tội phạm ma túy 16 vụ, 31 bị can, đề nghị truy tố 12 vụ, 26 bị can. Bắt 130 đối tượng (34 quả tang, 41 khẩn cấp, 55 tạm giam); bắt, vận động đầu thú 55 đối tượng truy nã. Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra, hỗ trợ tư pháp được chú trọng.
Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về CCTP. Áp dụng đồng bộ các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, kết quả đạt và vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội đã đề ra. Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nâng cao chất lượng trong việc ban hành, phê chuẩn các lệnh, quyết định bắt, giam, giữ, truy tố, chủ động nắm bắt các nguồn tố giác, tin báo về tội phạm và phối hợp với cơ quan điều tra xử lý, nhất là những tin báo có tính chất phức tạp. Các vụ án đã truy tố đều đảm bảo đúng thời hạn 100%, truy tố bị can đúng tội đạt 100%; không có trường hợp nào hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; các vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ đều có căn cứ, đúng pháp luật. Toàn ngành đã thụ lý kiểm sát 1.596 tố giác, tin báo về tội phạm; qua đó đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 13 vụ 10 bị can; phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố 11 bị can; ban hành 11 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Đã nghiên cứu phê chuẩn 650 quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn 34 lệnh bắt khẩn cấp đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, chuyển xử lý hình sự đạt tỷ lệ 100%. Thụ lý kiểm sát điều tra án hình sự 724 vụ 873 bị can; Cơ quan điều tra đã giải quyết 563 vụ, 713 bị can (đạt tỷ lệ 77,76%), trong đó kết thúc điều tra đề nghị truy tố 412 vụ 662 bị can. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm 425 vụ 728 bị cáo, theo thủ tục phúc thẩm 134 vụ 190 bị cáo. Qua đó đã ban hành kháng nghị phúc thẩm 21 vụ 33 bị cáo. Tòa án đã xét xử chấp nhận kháng nghị 21/24 bị cáo, đạt 87,5%.
Ngành Toà án đã thụ lý 5.398 vụ án các loại, giải quyết 4.229 vụ, đạt 78,34%, số vụ còn lại đang được giải quyết trong thời hạn luật định. Tỷ lệ các bản án, quyết định của Toà án bị huỷ do lỗi chủ quan là 1,09%, thấp hơn so với mức quy định của TAND Tối cao (1,16%), án bị sửa là 0,56% thấp hơn so với mức quy định (3%). Toàn ngành đã tổ chức hòa giải được 1.496 vụ việc (đạt tỷ lệ 41,97%), qua đó nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án; ngăn ngừa các tranh chấp, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận và đoàn kết nội bộ trong nhân dân. Công tác xét xử lưu động được TAND hai cấp quan tâm thực hiện theo quy định, trong năm đã đưa ra xét xử lưu động 90 vụ, 125 bị cáo nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Công tác kiểm tra hoạt động xét xử đối với các đơn vị tòa án được tăng cường; đã kiểm tra 3.262 bản án, quyết định; 3.074 hồ sơ vụ án các loại và 490 hồ sơ thi hành án hình sự, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sai sót. Việc quyết định hoãn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đã ra quyết định thi hành án 717 bị án, ủy thác thi hành 95 bị án; xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, rút ngắn thời gian thử thách cho 1.217 phạm nhân. Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được quan tâm chú trọng.
Ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật đúng trình tự quy định. Đã tổ chức thi hành xong 5.078/6.387 số việc có điều kiện thi hành (đạt 79,51%, vượt 7,51% so với chỉ tiêu); thi hành xong về tiền 98.588.119.000 đồng/231.544.040.000 đồng (đạt 42,58%, vượt 9,58% so với chỉ tiêu). Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục thi hành án dân sự đã chủ động báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp đối với những vụ việc lớn, phức tạp trước khi cưỡng chế thi hành. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp liên ngành Thi hành án dân sự, TAND, VKSND để bàn biện pháp xử lý một số vụ án tuyên không rõ, khó thi hành và một số vụ việc đưa ra thi hành nhưng còn có quan điểm chưa thống nhất và bàn việc tổ chức cưỡng chế thi hành án một số vụ việc phức tạp, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án được thi hành nghiêm minh.
Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử trong công tác CCTP
Công tác giám sát của HĐND đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được tăng cường; thông qua công tác giám sát, một số vụ, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp của công dân đã được kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Ban Pháp chế HĐND tỉnh triển khai giám sát đối với ngành Tòa án nhân dân tỉnh theo kế hoạch; Thường trực HĐND tăng cường giám sát việc thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; giám sát trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND trong các kỳ họp HĐND đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được chú trọng. Tại các kỳ họp HĐND, các cơ quan tư pháp đều có báo cáo cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình và trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu. Cụ thể, Thường trực HĐND có văn bản đề nghị đại biểu HĐND và các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu Báo cáo của UBND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh để thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan Tư pháp tại kỳ họp; Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành làm việc trực tiếp với Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh về công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để phục vụ cho việc thẩm tra các báo cáo của cơ quan tư pháp trình các kỳ họp HĐND tỉnh.
Lê Ngọc Hơn
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên)
;