Tuyên Quang: Kết quả 5 năm thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Sau khi có Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 101-KH/TU ngày 18-4-2014 chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, đạt những kết quả bước đầu. Các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định của Bộ Chính trị và văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện ở cấp mình.
Điểm cầu Tuyên Quang dự Hội nghị giao ban trực tuyến công tác chuẩn bị Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp nhiệm kỳ 2019-2024 |
Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai, thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, địa phương, đơn vị hằng năm; các nội dung giám sát đã bám sát thực tế, quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, phát huy dân chủ cơ sở, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Hoạt động đối thoại được thực hiện ở một số địa phương, cơ sở đã tạo sự cởi mở, gần gũi với nhân dân. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền được triển khai đúng quy định, bước đầu ở một số cơ sở đạt những kết quả tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, góp phần nâng cao chất lượng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cụ thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giám sát. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức 04 hội nghị, cấp huyện 20 hội nghị; cử 15 lượt cán bộ, công chức tham gia hội nghị tập huấn cho cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện do Trung ương tổ chức. Năm 2014, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tập huấn cho 170 cán bộ chuyên trách công đoàn và cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp về thực hiện Quyết định 217, 218, về thực hiện giám sát theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân tỉnh hằng năm phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội cơ sở, trong đó có nội dung bồi dưỡng về quy trình giám sát, phản biện xã hội; kỹ năng vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát, thu thập và xử lý thông tin giám sát...
Mặt trận Tổ quốc các tỉnh đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng cấp tỉnh ban hành 04 chương trình, 09 kế hoạch giám sát; thực hiện 11 cuộc giám sát tại 168 đơn vị; Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố chủ trì phối hợp xây dựng 50 chương trình, kế hoạch và thực hiện 50 cuộc giám sát, Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp tổ chức 5 cuộc giám sát đối với 20 lượt cấp uỷ huyện và 45 lượt đảng uỷ xã, 14 thôn, bản. Trong 3 năm (2015 đến 2017), Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công đoàn tại 25 doanh nghiệp và 05 đơn vị sự nghiệp (trong đó, đã giám sát 5/10 đơn vị theo kế hoạch năm 2017). Từ năm 2016 đến nay, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động tại 154 lượt đơn vị, doanh nghiệp. Từ 2014 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp chủ trì, phối hợp tổ chức 22 cuộc giám sát các nội dung có liên quan đến thực hiện Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện chính sách đối với người có công, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội Nông dân tỉnh hằng năm chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông lâm nghiệp, về sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hằng năm ngoài việc chủ trì các đoàn giám sát đã cử các thành viên tham gia các đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc các, các đoàn thể tỉnh..
Việc thực hiện phản biện xã hội được chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, bước đầu đạt một số kết quả. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tham gia góp ý, phản biện trên 100 văn bản quy phạm pháp luật; cấp xã tham gia góp ý, phản biện 930 dự thảo văn bản.
Ngoài ra phản biện xã hội thông qua góp ý kiến tại cuộc họp, sơ kết, tổng kết, các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua tổ chức hội nghị. Cấp tỉnh đã tổ chức 02 cuộc: Do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, năm 2017, phản biện nội dung dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh Tuyên Quang. Năm 2018 phản biện dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Cấp huyện từ năm 2014 đến nay tổ chức 02 cuộc: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Sơn tổ chức Hội nghị phản biện xã hội cấp huyện về Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các xã Hùng Lợi và Trung Minh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Chiêm Hóa tổ chức Hội nghị phản biện về việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng năm đầu của điều chỉnh quy hoạch huyện Chiêm Hóa.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 259-QĐ/TU ngày 24-10-2016 quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh về việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai thực hiện. Các hình thức tham gia như: Góp ý trực tiếp, qua hòm thư góp ý đặt tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, tổ chức các buổi tọa đàm, phối hợp thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân, lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động. Các cấp chính quyền thực hiện đổi mới công tác tiếp dân, nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đến nay, có 98,5% số ý kiến kiến nghị đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định, tạo sự đồng thuận xã hội...
Bình Minh