Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tiếp tục chương trình Phiên thứ 21, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2013 và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra và một số hạn chế trong việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, vi phạm tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công; bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước dàn trải, thực hiện chậm tiến độ; hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa cao…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp |
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2013 có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được tăng cường và hiệu quả hơn năm 2012 từ chỉ đạo, điều hành đến tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhìn chung kỷ cương, kỷ luật tài chính, minh bạch hóa chi tiêu của ngân sách nhà nước và đầu tư công đã được nâng lên. Đối với những hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, bên cạnh những hạn chế đã được Chính phủ nêu ra, thì cần làm rõ tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, nhất là sử dụng hệ thống cảng biển ở một số địa phương hiệu quả thấp…
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung phân tích, đánh giá, thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội. Theo đó, công tác thực hành, chống lãng phí năm 2013 có nhiều chuyển biến tích cực, được tăng cường và hiệu quả hơn năm 2012 từ chỉ đạo, điều hành đến tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều đại biểu chỉ rõ một số hạn chế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Theo số liệu báo cáo, trong bảy tháng đầu năm 2013, hệ thống kho bạc nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định, với số tiền khoảng 663 tỷ đồng...
Một số đại biểu cho rằng, mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn phổ biến ở không ít địa phương. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai còn yếu kém, lãng phí; nhất là tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản, tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép diễn ra ở mức độ đáng báo động. Trong khi đó, Tờ trình báo cáo Quốc hội chưa chỉ ra những địa chỉ cụ thể, rõ ràng các ngành, địa phương vi phạm, để xảy ra sai phạm lớn...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Các đại biểu đồng tình việc cần sớm thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), trong đó quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý hành vi gây lãng phí.
Ngọc Hiên