Chính phủ cần triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp
Chiều 21-11, theo dõi trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, cử tri bày tỏ sự đồng tình cao với nhiều nội dung chất vấn, đồng thời nêu lên những vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
* Chính phủ cần quyết liệt hơn trong thực thi các giải pháp
Cử tri Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển kinh doanh và thương mại Sài Gòn (4A/165 đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết nợ xấu cũng như đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 21-11 |
Ông Sơn cho rằng, các giải pháp mà Thủ tướng đề ra trong thời gian tới cần sát sao hơn nữa trong việc tháo gỡ các vướng mắc về an sinh xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, giúp người dân nâng cao mức sống; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã đề ra, nhất là các giải pháp trong xử lý nợ xấu, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế.
Ở góc độ một doanh nghiệp, cử tri Nguyễn Văn Sơn mong Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt hơn nữa trong giải quyết nạn tham nhũng, hỗ trợ và khai thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các ngành sử dụng hàm lượng chất xám cao trong lĩnh vực khoa học - công nghệ thông tin và viễn thông.
Luật sư Vũ Lai Bằng, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Trưởng Văn phòng Luật sư Vũ Lai Bằng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, người đứng đầu Chính phủ đã nêu các giải pháp ổn định kinh tế khá đầy đủ. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Theo Luật sư, hiện cử tri quan tâm đến các vấn đề nợ xấu của ngân hàng, thất thoát trong đầu tư công, lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở khu vực miền Trung, vấn đề y đức của ngành y tế... Vì vậy, các bộ, ngành, Chính phủ cần đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc để rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục.
Về vấn đề thủy điện, Luật sư cho rằng cần sự quan tâm đúng mức của Nhà nước vì có ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống người dân. Liên quan đến vấn đề tinh giảm cán bộ, công chức, theo luật sư Vũ Lai Bằng, hiện Chính phủ đã có Nghị quyết 16 về tinh giảm biên chế, vì vậy các bộ, ngành cần phải gương mẫu trong thực hiện, không để phình to lượng biên chế trong các ngành trong khi lại kêu gọi giảm chi tiêu công. Chính phủ cần yêu cầu các ngành thực hiện nghiêm túc quy định trong chi tiêu công, công khai minh bạch mức chi tiêu đối với từng chức vụ để tránh tình trạng chi tiêu lãng phí trong nhiều lĩnh vực.
* Làm rõ hơn những vấn đề cử tri quan tâm
Ông Trần Tiến Hưng (cựu chiến binh, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) đánh giá phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ khá chi tiết và cụ thể. Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng đã giải trình thêm một số vấn đề về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước. Mặc dù, đây chỉ là việc giải trình thêm nhưng Thủ tướng cũng đã nêu tương đối toàn diện và cụ thể nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều vấn đề nóng được nhân dân quan tâm. Trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh, vấn đề quản lý hồ chứa và phát triển thủy điện, Thủ tướng đã nêu bật được thực trạng, những khó khăn, thuận lợi và những tồn tại, thiếu sót, cũng như những giải pháp cần thiết để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực này.
Đánh giá cao cách thể hiện cũng như nội dung trả lời của Thủ tướng, Trung tá Phạm Quang Ý, cựu chiến binh phường 10, Đà Lạt (Lâm Đồng) cho rằng, Thủ tướng đã rất cố gắng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, đã trả lời chất vấn và đề ra các giải pháp cụ thể, nhất là các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Theo nhận định của ông Ý, năm 2013 mặc dù gặp không ít khó khăn, điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa bão liên tục, nhưng Thủ tướng và Chính phủ đã điều hành có hiệu quả nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Cử tri Phạm Quang Ý cũng cho biết bản thân ông và nhiều cử tri muốn Thủ tướng nói cụ thể và có địa chỉ rõ ràng xung quanh vấn đề “quốc nạn” tham nhũng và lãng phí. “Nếu như Thủ tướng nêu được những nội dung cụ thể hơn, chính xác hơn, thì sẽ có sức thuyết phục hơn” - ông Ý nhấn mạnh.
Nhận xét phần trả lời của Thủ tướng rất gọn và rất cụ thể, với những biện pháp, giải pháp rõ ràng, tuy nhiên ông Võ Hoa Thám, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng, cho rằng có một số vấn đề Thủ tướng nên trả lời rõ hơn như vấn đề nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật và thủy điện.
“Về thủy điện, người dân nhiều nơi rất bức xúc. Trong biện pháp tới đây, Thủ tướng nói rất rõ nhưng cần nói rõ thêm trong biện pháp đó, Thủ tướng và Chính phủ giải quyết mức độ nào và cấp chính quyền địa phương giải quyết mức độ nào. Có những cái phải giải quyết, đình chỉ ngay, nhất là vấn đề thủy điện xả nước không đúng quy hoạch, không thông báo cho dân biết, gây thiệt hại cho dân. Cái đó cần phải làm ngay” – cử tri Thám đề nghị.
*Cần “cú hích” mạnh mẽ, không để xảy ra oan sai
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá vấn đề nổi lên hàng đầu hiện nay là cần có biện pháp hữu hiệu, cần có “cú hích” mạnh mẽ để thống nhất toàn bộ hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp, xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai.
Luật sư đồng tình với quan điểm cho rằng để khắc phục tình trạng oan sai, ép cung, mớm cung, sử dụng nhục hình…, phải đảm bảo tốt nhất quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cũng như tạo điều kiện để người bào chữa tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, nguyên tắc suy đoán vô tội và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa cần phải được tôn trọng.
Luật sư tâm đắc nhất là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Ông cho rằng đây là “tín hiệu vui” cho giới luật sư. Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đưa ra một loạt các giải pháp nhằm hạn chế oan sai trong quá trình điều tra vụ án, trong đó nổi bật hai giải pháp là bên cạnh việc thu thập chứng cứ buộc tội, cơ quan điều tra cũng cần thu thập các chứng cứ gỡ tội; triển khai việc lắp camera trong quá trình hỏi cung các bị can. Nếu hai giải pháp này được triển khai thực hiện triệt để, nghiêm túc sẽ tạo điều kiện cho luật sư trong quá trình hành nghề...
(Theo TTXVN)