Nghiên cứu so sánh về hình sự hóa các hành vi tham nhũng

Thứ Ba, 03/12/2013, 10:23 [GMT+7]

Ngày 02-12-2013, tại Hà Nội, Bộ phát triển quốc tế Anh DFID phối hợp với Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc UNDP tổ chức Tọa đàm chính sách “Nghiên cứu so sánh về hình sự hóa các hành vi tham nhũng: Đóng góp vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự”. Mục đích của Tọa đàm nhằm trao đổi những phát hiện từ nghiên cứu so sánh kinh nghiệm quốc tế về hình sự hóa các tội phạm tham nhũng và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; hướng tới sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999.

Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm


Chủ trì Tọa đàm, ông Jairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về chống tham nhũng của UNDP. Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Học viện Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Mỹ… tham dự Tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, Giáo sư Alan Doig, nghiên cứu cấp cao danh dự tại Khoa phát triển quốc tế của Đại học Tổng hợp Birmingham, Trưởng nhóm nghiên cứu đã trình bày Báo cáo nghiên cứu “Hình sự hóa hành vi tham nhũng: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và vận dụng ở Việt Nam”. Các chuyên gia trong nước đến từ Vụ Pháp luật hình sự - hành chính của Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa ra những bình luận từ góc nhìn của nhà hoạch định chính sách và nghiên cứu pháp luật hình sự.
Tham nhũng là tình trạng chung của nhiều quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, nhất là các quốc gia có thu nhập trung bình. Thành bại trong cuộc chiến chống tham nhũng phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của những nhà lãnh đạo mỗi quốc gia đó. Ở Việt Nam, sự yếu kém trong quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng như những yếu kém trong trách nhiệm giải trình và tính minh bạch dẫn đến khó khăn trong vạch trần tham nhũng là vấn đề còn đáng quan ngại hơn so với vấn đề thiếu hụt các quy định của pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng. Trong khi đó, Bộ luật hình sự chưa đề cập đến các vấn đề mới của tham nhũng, bao gồm việc chưa coi hành vi đưa hối lộ là một loại tội tham nhũng và chưa hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư và hối lộ công chức nước ngoài; đồng thời nhiều quy định còn chưa phù hợp với Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới được ban hành năm 2012. Ngoài ra, Báo cáo cũng đưa ra một số mô hình quốc gia như Ủy ban diệt trừ, chống tham nhũng của Malaixia, Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân của Hàn Quốc - những mô hình khá thành công trong công tác đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và các đánh giá so sánh khi nghiên cứu, Báo cáo đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với việc sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999: (1) Đưa các điều luật trong chương “Các tội phạm về chức vụ” hiện nay xếp vào Mục “Các tội phạm về tham nhũng” theo hướng hợp nhất một số hành vi liên quan như: đưa, môi giới và nhận hối lộ; hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; bổ sung hành vi hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế. (2) Bổ sung nhóm các tội về phòng ngừa tham nhũng, các tội vi phạm quy tắc hành xử công sở trong Bộ luật hình sự, như hình sự hóa về hành vi không khai báo các khoản lợi bất chính hoặc không kê khai tài sản, kê khai không đúng. (3) Xóa bỏ những dấu hiệu định lượng trong cấu thành cơ bản của các tội phạm tham nhũng như giá trị hối lộ, giá trị tài sản bị chiếm đoạt hoặc mức độ thiệt hại gây ra cho Nhà nước. (4) Ngoài lợi ích vật chất, nên quy định các giá trị phi vật chất (như hối lộ tình dục) là một dạng “của hối lộ” trong quy định về tội hối lộ. (5) Hình sự hóa hành vi tham nhũng, đưa và nhận hối lộ trong lĩnh vực tư. (6) Hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân.

Linh Đan

;
.