Tăng cường liêm chính, thúc đẩy giải trình thông qua báo chí
Ngày 02-12-2013, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 9-12, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức Hội thảo "Tăng cường liêm chính, thúc đẩy giải trình thông qua báo chí". Hội thảo cũng đồng thời là lễ công bố báo cáo "Mức độ phản hồi của tố chức, cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí" do nhóm các chuyên gia tư vấn của MEC thực hiện từ tháng 8-2013 đến tháng 11-2013.
Quang cảnh Hội nghị |
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan phòng, chống tham nhũng, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, cơ quan dân cử, các tổ chức quốc tế,... trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Theo kết quả nghiên cứu công bố tại Hội thảo, dù các quy định về trách nhiệm trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí phản ánh đã có hiệu lực hàng chục năm (24 năm đối với Luật báo chí và 11 năm đối với Nghị định 51-2002), song nhận thức của cả cơ quan nhà nước và báo chí đều không đầy đủ, thể hiện ở tỷ lệ các ý kiến công dân được cơ quan nhà nước phản hồi đúng thời hạn chiếm tỷ lệ thấp: chỉ có 25%. Đáng chú ý, trong số đó có tới 3/4 nội dung phản hồi chỉ là các thông tin "vỏ" mang tính chất chung chung. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có cả kẽ hở và sự mâu thuẫn trong các văn bản pháp lý, có cả sự hạn chế về kiến thức, kỹ năng của người đứng đầu các cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước, có cả sự tác động của các yếu tố bên ngoài.
Các đại biểu dự Hội thảo cũng đã được tiếp cận mô hình tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc việc trả lời ý kiến công dân của một số tòa báo điển hình ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như cách thức thúc đẩy đối thoại và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước tại cuộc họp giao ban tổ chức ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hàng tuần. Mặc dù còn có những vấn đề tồn tại, song hai mô hình này rất đáng được học hỏi, hoàn thiện trong bối cảnh chủ trương tăng cường liêm chính, thúc đẩy giải trình đang được triển khai rộng khắp.
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề mới liên quan trực tiếp đến tác nghiệp báo chí và trách nhiệm phản hồi của cơ quan nhà nước cũng đã được thảo luận, như nhu cầu xây dựng các bản quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo; tăng cường kỹ năng và chia sẻ thông tin cho các Tổng biên tập và sự cạnh tranh, tương tác của mạng xã hội...
Hội thảo là một hoạt động trong Dự án "Nâng cao mức độ phản hồi của tổ chức, cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí" do MEC thực hiện trên quy mô toàn quốc. Sau khi công bố nghiên cứu, MEC sẽ thực hiện hai khóa tập huấn cho lãnh đạo, người phát ngôn của các cơ quan nhà nước thuộc khối hành pháp tại hai miền Bắc và Nam.
Nhằm khắc phục tình trạng cơ quan nhà nước chậm hoặc không trả lời kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí, nhóm chuyên gia của MEC đưa ra bốn nhóm khuyến nghị gồm: (1) Đối với hành lang pháp lý cần có sự bình đẳng và nhất quán, trước mắt bổ sung các chế tài đối với việc tổ chức, cơ quan nhà nước phản hồi chậm, tiến tới xây dựng một Nghị định về Bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí ở tầm Chính phủ nhằm hướng dẫn thực hiện Điều 2 Luật báo chí. về lâu dài cần sửa toàn diện Luật báo chí theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. (2) Đối với các nhà báo, cơ quan báo chí cần tăng cường năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp nhằm tiếp nhận, khai thác tốt hơn nguồn thông tin vô tận từ bạn đọc/khán, thính giả, chú trọng đúng mức vai trò, chức năng từ mạng xã hội và những kênh thông tin phi truyền thống. (3) Đối với lãnh đạo các tổ chức, cơ quan nhà nước cần thay đổi nhận thức, coi việc phản hồi công dân thông qua báo chí là "cơ hội" hơn là "nghĩa vụ", từ đó có các cách thức ứng xử mang tính tự giác và gương mẫu; đồng thời cải thiện nhanh chóng những thiếu hụt về quy trình, kỹ năng xử lý thông tin, phản hồi báo chí. (4) Đối với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tôn trọng sự thật khách quan, tiến trình vận động của sự phát triển, tăng tính tự chủ, tính trách nhiệm của các bên, thực sự đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy giải trình một cách tích cực, kiểm soát mọi can thiệp mang tính cá nhân hay "nhóm lợi ích" để mọi mâu thuẫn xã hội không phải tích tụ và phải được giải tỏa theo đúng quy luật.
Bùi Thu Huyền
(Ban Nội chính Trung ương)