Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thấu tình, đạt lý
Thứ Tư, 23/04/2014, 10:41 [GMT+7]
Sáng 22-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp lên Trung ương vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cả nước giảm 2% về số lượt người, 1,2% về số đoàn đông người, nhưng công dân đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước tăng cả về số lượt người, số vụ việc và số đoàn đông người so với năm 2012. Quý 1/2014, mặc dù số vụ việc công dân khiếu nại, tố cáo đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước giảm 29,07% so với cùng kỳ nhưng số lượt người và số đoàn đông người tăng. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu tình, đạt lý nhưng công dân vẫn không chấp nhận, liên tục khiếu kiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị |
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 5-2012, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 1130/KH-TTCP phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tháng 9-2013, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP để hoàn thành việc giải quyết 528 vụ việc, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, bộ ngành tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng khác. Tính đến giữa tháng 4/2014, các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết được 481/528 vụ việc, đạt 91,1%.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã nêu lên nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, đó là do cơ chế chính sách còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế. Nhiều địa phương còn xem nhẹ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ chế độ tiếp công dân, có nơi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, người đứng đầu còn né tránh trong việc tổ chức đối thoại với công dân để giải quyết. Việc hướng dẫn, chuyển đơn còn “lòng vòng”, không đúng quy định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công dân còn hạn chế, tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn cao (khoảng 60%). Các ý kiến đều nhận định giải quyết dứt điểm các vụ việc, chấm dứt khiếu kiện là vấn đề rất quan trọng để tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo ổn định xã hội, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Điều này đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, công tác tiếp dân phải gắn với việc đối thoại để giải quyết các vấn đề nhân dân kiến nghị; tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho nhân dân, quan tâm đến quyền lợi của người khiếu nại, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, phải mạnh dạn sửa sai.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài còn có nhiều tồn tại, hạn chế. Nhận thức của một số địa phương về mục tiêu, ý nghĩa của việc giải quyết loại vụ việc này chưa đầy đủ; chưa thấy hết được mối quan hệ chặt chẽ giữa việc giải quyết khiếu nại, tố cáo với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế, củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền. Sự phối hợp giữa một số địa phương với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; thiếu tích cực, thiếu chủ động, nhiều địa phương đùn đẩy lên Trung ương, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo địa phương chưa thật sự vào cuộc trong việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc giải quyết. Quá trình giải quyết chưa xem xét đầy đủ, thấu đáo các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc; việc tổ chức đối thoại với người kiếu kiện còn hình thức; chưa mạnh dạn sửa sai (nhất là vụ việc liên quan đến người tiền nhiệm), chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi chính đáng của người dân, thậm chí có nơi còn thành kiến đối với những người khiếu kiện kéo dài.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm; một số vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến thống nhất của Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng nhưng địa phương chậm triển khai thực hiện, hoặc không thực hiện triệt để, hoặc lấy nhiều lý do khác nhau để kéo dài, không thực hiện.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đảm bảo hai nguyên tắc là đúng pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo tổ chức tiếp công dân, tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện đông người, gay gắt, kéo dài; phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Trung ương có biện pháp phù hợp, không để công dân tập trung khiếu kiện đông người trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ bảy của Quốc hội và Hội nghị Trung ương 9 sắp tới. Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Trung ương tổ chức tốt công tác tiếp dân tại hai Trụ sở tiếp dân Trung ương ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xử lý các tình huống phức tạp, phát sinh. Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra Chính phủ thành lập ngay Đoàn kiểm tra, cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức tiếp dân, đối thoại tại địa phương, bàn biện pháp giải quyết, không để công dân lưu lại dài ngày ở Thủ đô Hà Nội, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, coi đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài, thường xuyên của chính quyền và cả hệ thống chính trị. Quá trình giải quyết phải kiểm tra, làm rõ nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, nguyên nhân khiếu kiện kéo dài; xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý, thực tế của vụ việc; tổ chức đối thoại dân chủ, công khai, huy động cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết; vận dụng đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, hành chính, pháp luật, kinh tế để giải quyết dứt điểm trên tinh thần có lý, có tình. Đối với những trường hợp người khiếu nại gặp khó khăn, chính quyền cần xem xét vận dụng chính sách xã hội, có biện pháp hỗ trợ người dân để ổn định cuộc sống.
Phó Thủ tướng lưu ý đối với một số dự án đầu tư có liên quan quyền lợi của nhiều người dân như việc cải tạo, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, xây dựng nghĩa trang, xử lý rác thải, dồn điền đổi thửa…, chính quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại công khai, dân chủ và phải được sự đồng thuận của đại đa số người dân, không để phát sinh khiếu kiện đông người. Chỉ đạo trực tiếp đối với 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được rà soát, kiểm tra, Phó Thủ tướng yêu cầu những việc đã thống nhất biện pháp giải quyết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, không để kéo dài. Những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình, có thông báo chấm dứt thụ lý, giải quyết, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại thì chính quyền, các đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân đồng thuận, chấm dứt khiếu nại. 47 vụ việc còn lại chưa giải quyết, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tập trung giải quyết trong thời gian từ nay đến tháng 6/2014. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, không thống nhất biện pháp giải quyết báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Thanh Vân
(TTXVN)
(TTXVN)
;