Tọa đàm "Tác động của tham nhũng đối với phát triển địa phương ở Việt Nam"
Thứ Tư, 23/04/2014, 14:53 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 21-4-2014, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Tác động của tham nhũng đối với phát triển kinh tế cấp tỉnh ở Việt Nam” với mục đích chia sẻ kết quả nghiên cứu ban đầu về đánh giá tác động của tham nhũng đối với phát triển kinh tế cấp tỉnh.
Ở Việt Nam cũng như trên phạm vi thế giới hiện còn thiếu nghiên cứu định lượng về tác động của tham nhũng ở cấp địa phương. Qua nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của tham nhũng với những bằng chứng thực nghiệm; cung cấp thông tin cho thảo luận chính sách, nhất là đối thoại về tham nhũng ở địa phương và ngành; tạo động lực cho phòng, chống tham nhũng.
Các yếu tố của phát triển địa phương được nghiên cứu gồm đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước; việc làm ở doanh nghiệp ngoài nhà nước; thu nhập trung bình dân cư địa phương và bất bình đẳng thu nhập.
Nghiên cứu lý thuyết tập trung vào những nội dung về tác hại của tham nhũng đối với tăng trưởng, công bằng xã hội… Kết quả thực nghiệm được đúc rút từ những nghiên cứu quốc tế về tham nhũng và phát triển, tham nhũng và phát triển kinh tế tư nhân, tham nhũng và bất bình đẳng… Số liệu phân tích có được từ hoạt động tổng điều tra doanh nghiệp; điều tra mức sống của hộ gia đình 4 năm chẵn gần đây; khảo sát PCI từ năm 2006 đến năm 2012 về cảm nhận của doanh nghiệp đối với những khoản chi không chính thức và một số biến khác như cơ sở hạ tầng, dân số, diện tích, khoảng cách đến Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Các phương pháp kỹ thuật hiện đại được sử dụng để cho ra các kết quả cụ thể về tác động của tham nhũng đến đầu tư, việc làm, thu nhập, bất bình đẳng thu nhập và đi đến kết luận: Tham nhũng có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế tư nhân, thu nhập của người dân và bất bình đẳng; cả mức độ tham nhũng và khả năng dự báo kết quả có được nhờ tham nhũng đều có tác động đáng kể; phòng, chống tham nhũng đem lại kết quả hữu hình, đáng kể cho kinh tế địa phương thông qua phát triển kinh tế tư nhân, từ đó nâng cao thu nhập người dân và giảm bất bình đẳng; cần nâng cao tính ổn định, nhất quán trong chính sách và cung cấp dịch vụ công.
Nghiên cứu được tiến hành bằng những phương pháp khoa học, có tính định lượng, là tài liệu tham khảo có giá trị để các địa phương cải thiện chính sách phát triển, khả năng điều hành và quản lý xã hội trong tương lai.
Thu Hạnh
;