Hải quan phải góp phần chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa
Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan chiều ngày 21-7.
Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo sâu sát, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Ngành Hải quan đã tổ chức các đơn vị chuyên trách chống buôn lậu ở 3 cấp với 3.022 cán bộ chuyên trách: tại Trung ương có Cục điều tra chống buôn lậu; tại 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố có các Đội kiểm soát hải quan, các Đội kiểm soát hải quan ma túy; tại 169 Chi cục Hải quan cửa khẩu có các Tổ kiểm soát hải quan.
![]() |
Toàn cảnh cuộc làm việc |
Tính đến ngày 15-6-2014, các đơn vị trong ngành đã phát hiện, bắt giữ 8.915 vụ vi phạm, trị giá vi phạm ước tính 168 tỷ 904 triệu đồng, khởi tố 33 vụ án hình sự, chuyên đề đấu tranh chống vi phạm trong kinh doanh tạm nhập tái xuất phát hiện nhiều vụ buôn lậu lớn. Đặc biệt, đấu tranh thành công 02 chuyên án, bắt giữ 01 vụ buôn lậu xăng dầu tạm nhập tái xuất, tịch thu 1.650 tấn, 422.000 lít và 1640 mét khối dầu, trốn khoảng 70 tỷ đồng tiền thuế.
Công tác đấu tranh chống vi phạm lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng xuất khẩu để chiếm đoạt thuế với 22 đơn vị có dấu hiệu vi phạm, số thuế gian lận ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, bắt quả tang công ty thực phẩm Sài Gòn khai báo sai và xuất khống nhằm chiếm đoạt 70 tỷ đồng tiền thuế VAT; chống vi phạm lợi dụng chính sách miễn thuế đối với xe ô tô Việt kiều hồi hương; chống vi phạm đối với hàng “bách hóa” vì nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về quy trình và thủ tục hải quan đã khai báo sai số lượng, chủng loại, giá trị và làm giả hồ sơ hải quan để gian lận, trốn thuế với hàng trăm container vi phạm, số tiền thuế truy thu chênh lệch lên hàng trăm tỷ đồng...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích, nỗ lực của ngành Hải quan trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 6 tháng đầu năm đã giảm được 9% so với cùng kỳ, giá trị phát hiện tăng cao, góp phần quan trọng trong công tác này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thực tế cho thấy hiện còn những chính sách bất cập, lạc hậu làm thất thu Ngân sách Nhà nước như hàng hóa tạm nhập tái xuất, khai khống để hoàn thuế VAT, hàng miễn thuế, xách tay, kiểm soát chất lượng hàng hóa tại khu vực biên giới... Những hạn chế này cần sớm được khắc phục, góp phần từng bước ngăn chặn trực tiếp và có hiệu quả công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay. Điều này đòi hỏi phải tiến hành sửa đổi ngay những chính sách bất cập như chính sách tạm nhập tái xuất đang có nhiều khe hở để cho các đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng.
Phó Thủ tướng lưu ý, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt nên hiệu quả đấu tranh của công tác này chưa cao. Chính sách thể chế chưa rõ ràng, nhiều sơ hở, bất cập, chồng chéo đã để cho các đối tượng lạm dụng, lợi dụng. Nhận thức của một số người trong hệ thống chính trị đối với vấn đề này chưa đúng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này. Tình trạng buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả đi liền với tiêu cực, tham nhũng, làm thoái hóa cán bộ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Xu hướng liên kết, hình thành “đường dây” giữa các đối tượng buôn lậu và cán bộ làm công tác này cần được xóa bỏ.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng nêu rõ: Phải nhận thức rõ về ngành hàng, mặt hàng, đối tượng và địa bàn cần phải triệt phá. Ngành Hải quan phải nhận thức rõ vấn đề này trong trực tiếp đấu tranh, tham mưu giải pháp với cấp trên. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành. Ngành Hải quan cần tham mưu sớm để hoàn thiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa của ngành, triệt để áp dụng công nghệ thông tin, cơ chế phân biệt rủi ro. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này khi để xảy ra các sai phạm thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của mình. Kiên quyết xử lý cho cán bộ bảo kê, bao che cho buôn lậu và thuyên chuyển công tác những cán bộ có dư luận về những cán bộ có tiêu cực trong công tác. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ làm tốt. Sớm sửa đổi những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn những yếu kém trong công tác này. Cơ quan thông tin tuyên truyền làm tốt hơn, mạnh mẽ hơn trong trong nhân dân để người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Đăng Linh