Phiên họp lần thứ năm Ban Soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)

Thứ Hai, 20/10/2014, 10:28 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 16/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp lần thứ năm Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) để thảo luận, cho ý kiến về hai nội dung lớn là (1) nội dung lớn sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, các tội phạm về chức vụ và các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; (2) một số vấn đề và kỹ thuật lập pháp hình sự. Đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì phiên họp.

Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp

Tại phiên họp, đại diện Tổ biên tập Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã trình bày tóm tắt các nội dung chính cần xin ý kiến Ban soạn thảo, đó là: (1) Nội dung sửa đổi, bổ sung Chương XIII - Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân gồm điều chỉnh tên gọi chương này; điều chỉnh chính sách xử lý đối với nhóm tội này và hình sự hóa các hành vi xâm hại nghiêm trọng các quyền tự do dân chủ của con người, của công dân được Hiến pháp ghi nhận (2) Nội dung sửa đổi, bổ sung Chương XXI - Các tội phạm chức vụ gồm việc bổ sung vào BLHS một số hành vi tham nhũng đã được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng; việc nội luật hóa các điều khoản về hình sự hóa của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng như mở rộng phạm vi các tội phạm tham nhũng ra khu vực tư, hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, đối với hành vi làm giàu bất chính; về việc quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm về tham nhũng; (3) Nội dung sửa đổi, bổ sung Chương XXII - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp gồm về phạm vi các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; sửa đổi, bổ sung tội bức cung và tội dùng nhục hình trên tinh thần cập nhật nội dung Công ước Chống tra tấn; (4) Một số vấn đề kỹ thuật lập pháp hình sự như về các tình tiết định tội; về các yếu tố định tính, định lượng là dấu hiệu định tội, định khung hình phạt; về khoảng cách tối thiểu, tối đa của khung hình phạt tù.
Một số ý kiến đại biểu đề xuất, tên Chương XIII cần gắn gọn, phù hợp với cách đặt tên của các chương khác là “Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ”. Có ý kiến cho rằng cần lưu ý nhiều tội phạm ở các chương khác cũng liên quan đến xâm phạm quyền dân chủ, nên Chương XII chỉ nên tập trung đến xâm phạm quyền tự do. Đa số ý kiến tán thành việc nên mở rộng các tội phạm về tham nhũng sang lĩnh vực tư, tuy nhiên, chưa thống nhất là nên tách thành tội danh riêng hay chỉ cần mở rộng khái niệm chủ thể của tội phạm này. Nhiều ý kiến không tán thành việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính trong giai đoạn hiện nay và không nên coi hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm về tham nhũng để thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật. Các ý kiến phát biểu đều cho rằng cần tiếp tục rà soát các tội trong BLHS để bảo đảm hạn chế tối đa các dấu hiệu định tính, định lượng; bởi các yêu tố này không chỉ ảnh hưởng đến công tác áp dụng pháp luật trong thực tiễn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng dẫn của các cơ quan liên ngành Trung ương. Việc xác định tính nguy hiểm và nghiêm trọng của tội phạm cần căn cứ tổng hợp các yếu tố như hành vi phạm tội, hậu quả phạm tội, chủ thể phạm tội, hoàn cảnh phạm tội,...

Hà Thanh

;
.